Cải tiến "tiếw Việt" phần 2: Chỉ làm méo mó ngôn ngữ

Diệu Thu – Triệu Quang Thứ năm, ngày 28/12/2017 09:55 AM (GMT+7)
Chuyên gia ngôn ngữ học cho rằng, đề xuất cải tiến tiếng Việt phần 2 của PGS. TS Bùi Hiền như biến ngôn ngữ từ “rừng cây đẹp đẽ thành những gốc cây lởm chởm trong mắt người đọc”.
Bình luận 0

img

PGS. TS Bùi Hiền chia sẻ về công trình nghiên cứu cải tiến chữ Quốc ngữ.

Dù bị dư luận “ném đá” dữ dội sau khi công bố đề xuất cải tiến tiếng Việt phần 1, mới đây, PGS.TS Bùi Hiền – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội lại gây “sốc” khi tiếp tục công bố phần 2. Lần công bố này sớm hơn so với dự định ban đầu của ông (tháng 3/2018).

Ở phần 2, về phụ âm, ông Hiền không thay đổi mà chỉ chuyển đổi hai chữ “q” và “w” cho đẹp mắt. Ví dụ: Cải tiến “tiếq Việt" trở thành cải tiến "tiếw Việt".

Một số chữ, ông đổi hẳn về cách viết như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ). Những chữ này đổi về cách viết nhưng cách đọc văn bản vẫn như cũ.

Ngoài ra, trong phần 2 của công trình, ông Hiền lại giữ nguyên chữ “nh” như chữ viết tiếng Việt hiện hành không để là “n’” vì hai âm vị viết 2 lần, không có tính tiết kiệm.

img

Bảng chuyển đổi hoàn chỉnh bảng chữ viết tiếng Việt của PGS.Bùi Hiền.

Với công trình này, ông Hiền cho rằng, đây sẽ là bản chữ cái duy nhất trên thế giới đạt được trình độ 1 âm 1 chữ, 1 chữ 1 âm mà có thể ghi lại toàn bộ tiếng nói của dân tộc.

Liên quan vấn đề này, PGS.TS Mai Xuân Huy – Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, ông không tin vào tính khả thi của đề xuất cải tiến tiếng Việt dù là phần 1 hay phần 2 của PGS.TS Bùi Hiền.

“Cải tiến tiếng Việt để thu gọn 1 âm thành 1 chữ là hết sức máy móc. Bản thân xã hội không giống như 1 phép toán; bản thân văn học cũng không giống như 1 máy tính, kiểu gõ 1 cái ra 1 chữ.

Ngôn ngữ là phương tiện để thể hiện văn hóa, mà văn hóa thì không có khái niệm 1 là 1, càng không bao giờ có 1 nghĩa mà phải đa nghĩa để mọi người muốn tìm hiểu và khám phá nó”, ông Huy nói.

img

PGS.TS Mai Xuân Huy – Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam.

Ông Huy cũng cho rằng, bản thân chữ Quốc ngữ đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân từ hàng trăm năm nay nên nó không còn bất cập. Chữ cải tiến chỉ làm méo mó, mất đi sự lấp lánh, đa dạng trong văn chương, câu đối, chơi chữ…

“Nhìn vào những chữ cải tiến, tôi thấy tiếng Việt như một rừng cây đẹp đẽ biến thành những gốc cây lởm chởm đập vào mắt người đọc. Càng thu gắn gọn lại thì càng khiến sự sáng tạo trong ngôn ngữ, văn chương bị bó lại”, ông Huy chia sẻ.

PSG.TS Phạm Văn Tình (Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) cho biết, hội đã có ý kiến về đề xuất của PGS Bùi Hiền trong lần công bố trước.

Theo đó, ý tưởng cải tiến chữ tiếng Việt mới chỉ dừng lại là ý kiến của một nhà ngôn ngữ học, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước đem áp dụng cho tiếng Việt hiện nay.

img

PSG.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

“Lần này, Hội Ngôn ngữ không có chủ trương bàn về vấn đề này nữa. Sắp tới có Hội thảo, có thể sẽ đưa vấn đề này ra để trao đổi”, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho hay.

Ở góc độ ngôn ngữ học, PGS. TS.Phạm Văn Tình cho biết, đề xuất này không mới, ngay cả những năm 1960 tổ ngôn ngữ đã có đề án khá dài, nhưng thực hiện thì rất khó khả thi. Vì thế, phương án này của PGS Bùi Hiền chỉ là ý kiến cá nhân. Hiện tại giới ngôn ngữ không quan tâm nhiều đến việc cải tiến chữ quốc ngữ vì coi ngôn ngữ đã được định hình. Nếu thay đổi thì phải có kế hoạch dài hơi và chuẩn bị kỹ càng hơn.

PGS Bùi Hiền: “Công bố phần 2, tôi biết thế nào người ta cũng chửi”

“Ai ủng hộ thì tôi cảm ơn, ai không ủng hộ thì tôi cũng cảm ơn, còn người nào thóa mạ, tôi không để tâm“.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem