Cấm "ép" khách, kinh doanh bảo hiểm tại các ngân hàng hiện nay ra sao?

04/02/2021 12:52 GMT+7
Trở thành một nguồn thu quan trọng của các ngân hàng, thu nhập từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2020 ghi nhận gam màu trái chiều tại các ngân hàng. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước từng cấm các ngân hàng “ép” khách hàng vay vốn mua bảo hiểm.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam 2020 đã chốt sổ khá ấn tượng với mức tăng trưởng "trong mơ" khi nhiều ngành khác đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

Cụ thể, doanh thu từ phí bảo hiểm tăng trung bình 19%/năm và đạt mốc 184.662 tỷ đồng năm 2020. Trong số đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đóng góp 69%.

Nguồn thu quan trọng đến từ kinh doanh bảo hiểm

Đặc biệt trong năm 2020 vừa qua, vượt qua những dịch vụ ngân hàng truyền thống như tiền mặt, thanh toán, kinh doanh ngoại hối… bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) đang trở thành nguồn thu quan trọng với các nhà băng Việt.

Tại MB, bảo hiểm cũng đang là nguồn thu quan trọng nhất trong các hoạt động ngoài tín dụng của nhà băng này. Với hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch lớn (gần 300 điểm) mỗi năm MBBank đều thu về hàng nghìn tỷ từ hoạt động bán bảo hiểm cho MIC và MB Ageas Life.

Cấm ép khách, kinh doanh bảo hiểm tại các ngân hàng hiện nay ra sao? - Ảnh 1.

Kinh doanh bảo hiểm mang lại nguồn thu quan trọng cho ngân hàng (Báo cáo tài chính quý IV/2020)

Cụ thể, tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ của MB năm 2020 đạt 8.228 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019. Trong đó, riêng kinh doanh bảo hiểm chiếm tới 71% nguồn thu dịch vụ của ngân hàng. Năm 2019, nguồn thu này chỉ mới chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 65% tổng thu nhập hoạt động dịch vụ của MB.

Ghi nhận lãi trước thuế tăng mạnh những năm gần đây là VIB, ngoài mức từ hoạt động tín dụng, bán bảo hiểm cũng đóng góp động lực lớn vào đà tăng chung kết quả kinh doanh của nhà băng này.

Năm 2018, lãi thuần bán bảo hiểm mới đóng góp khoảng 22% tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ của VIB. Tuy nhiên, số này đã tăng lên 54% vào 1 năm sau đó (2019) khi VIB ký kết hợp đồng phân phối bảo hiểm với Prudential.

Năm 2020, thu nhập từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm của VIB đạt 1.212 tỷ đồng, chiếm 41% thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Lãi thuần từ hoạt động này hơn 1.190 tỷ đồng, chiếm 49,8% lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của VIB.

Tương tự, tại VPBank và TPBank, mảng này chiếm khoảng 41% và 37% trong tổng thu nhập dịch vụ của các ngân hàng này.

Gam màu trái chiều

Trên thực tế, tiềm năng thị trường bảo hiểm còn rất lớn. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Swiss Re, Sigma vào năm 2019, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP của Việt Nam ở mức 3%, thấp hơn so với các nước tiên tiến trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (9,7%) và thế giới (6,1%).

Cấm ép khách, kinh doanh bảo hiểm tại các ngân hàng hiện nay ra sao? - Ảnh 2.

Báo cáo tài chính quý IV/2020

Chính vì vậy, càng ngày thị trưởng bảo hiểm nhân thọ nói chung và bancassurance nói riêng càng có cạnh tranh gay gắt, các ngân hàng chạy đua bán bảo hiểm.

Trước phản ánh của nhiều khách hàng tố ngân hàng "ép" khách hàng mua bảo hiểm mới được vay, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã từng có văn bản yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó một nội dung quan trọng được Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh là các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng. Nói cách khác là "ép" khách hàng mua bảo hiểm mới được vay vốn.

Không khẳng định động thái "tuýt còi" của Ngân hàng Nhà nước có tác động tới hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm của các ngân hàng, tuy nhiên theo thống kê của Dân Việt tại 6/30 nhà băng thuyết minh chi tiết về hoạt động bảo hiểm trong báo cáo tài chính quý IV/2020, tổng doanh thu liên quan đến kinh doanh dịch vụ bảo hiểm vẫn tăng trưởng 12,2% so với năm 2019.

Tuy nhiên, PG Bank không ghi nhận doanh thu mảng này, 3/5 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm. Đơn cử như tại TPBank, doanh thu từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm và tư vấn sụt giảm 16,6%; VPBank giảm 11,5%. Hay như tại Techcombank doanh thu hợp tác bảo hiểm giảm 11,2%.

Ngược lại, kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm tại MB vẫn tăng mạnh tới 39,2% và VIB tăng 9,5% doanh thu dịch vụ hoa hồng bảo hiểm.

Tại tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trình Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính thừa nhận, vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức, ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; giữa các kênh phân phối khác nhau (đại lý với đại lý hoặc môi giới, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hoặc giữa các chi nhánh của cùng doanh nghiệp với nhau).

Hoạt động của đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của bên mua bảo hiểm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục