Cấm hay không cấm kinh doanh đòi nợ thuê?

27/05/2020 07:19 GMT+7
Cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê vẫn là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội dành thời gian tranh luận khi thảo luận về dự thảo luật Đầu tư.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình cả 2 phương án để xem xét, quyết định. Theo đó, phương án 1 là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ như dự thảo đã trình tại kỳ họp 8 năm ngoái, phương án 2 là không cấm và đưa vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Vẫn còn quan điểm khác nhau

Thảo luận sau đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này. ĐB Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho biết phương án nào cũng có lý do khá thuyết phục, báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH cũng không đưa ra quan điểm lựa chọn phương án nào, song ông đề nghị chọn theo phương án 2 là không cấm hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê.

Dành 3 - 5% ghế ĐBQH cho chuyên gia, cán bộ sắp nghỉ hưu

Báo cáo giải trình tiếp thu dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội sáng 26.5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, xin được chỉnh lý dự thảo luật theo hướng nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH.

Bên cạnh đó, cũng sẽ xem xét việc dành tỷ lệ nhất định cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người có nhiều kinh nghiệm hoạt động ĐB sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về năng lực công tác, trí tuệ, uy tín và có sức khỏe, tham gia ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của QH.

Thảo luận sau đó, nhiều ĐB đồng tình với đề xuất dành từ 3 - 5% tỷ lệ ĐBQH để thu hút chuyên gia, cán bộ quản lý sắp nghỉ hưu. ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị cần nâng tỷ lệ hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn, là trên 50% để đảm bảo tính chuyên nghiệp cho QH. Trong khi đó, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) thì nêu quan điểm, không nên nhấn mạnh đến số lượng. "Cho dù 100% ĐBQH là chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì hoạt động của QH cũng sẽ không bảo đảm được thực chất, thực quyền", ĐB Vân nói.

Cùng quan điểm, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nói những hệ lụy của dịch vụ đòi nợ thuê thời gian vừa qua là do quản lý chưa tốt. Nếu bây giờ cấm thì sẽ nhảy từ thái cực này sang thái cực khác, tức là từ chỗ không quản gì sang chỗ cấm tuyệt đối.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), người từng muốn cấm dịch vụ đòi nợ thuê, nay lại ủng hộ không cấm để khuyến khích mở rộng hoạt động tín dụng cá nhân. ĐB Ngân cũng đề xuất nên đổi tên thành dịch vụ kinh doanh “thu hộ nợ” thay vì “đòi nợ” cho “dễ nghe hơn”, đồng thời tạm dừng cấp phép mới cho hoạt động này để rà soát kỹ các điều kiện kinh doanh.

Tranh luận với ĐB Ngân, ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng việc thay đổi tên gọi không làm thay đổi bản chất, nội hàm của dịch vụ đòi nợ thuê. ĐB Xuân cho rằng thực tế cho thấy đa số loại hình kinh doanh đòi nợ thuê đều thiếu lành mạnh, phần lớn cấu kết với băng nhóm xã hội đen, đối tượng hình sự để đi đòi nợ và vừa qua cơ quan công an đã phải xử lý nhiều trường hợp vi phạm. “Báo cáo của Bộ KH-ĐT thì loại ngành nghề kinh doanh đòi nợ thuê không đóng góp bao nhiêu vào ngân sách cũng như vào sự phát triển kinh tế xã hội”, bà Xuân nói, đồng thời cho biết hiện tại, quy định pháp luật cũng có nhiều thiết chế như tòa án, trọng tài để giải quyết mà không cần tới dịch vụ đòi nợ thuê.

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng cần cấm dịch vụ đòi nợ thuê bởi người lao động là đối tượng xăm trổ, ba trợn, công cụ lao động để đạt mục đích của loại hình dịch vụ đòi nợ thuê là dao kiếm, phương thức hoạt động là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực. "Nếu tiếp tục để dịch vụ này thì sẽ ảnh hưởng tới an nguy xã hội, thể hiện sự bất lực của nhà nước trong quản lý nhà nước bằng pháp luật, dẫn tới mất niềm tin của nhân dân với lực lượng quản lý xã hội", ông Bộ nói.

Tránh các đầu tư núp bóng và đầu tư chui

Vấn đề đảm bảo yếu tố quốc phòng, an ninh trong các dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài cũng được nhiều ĐB đặt ra khi thảo luận luật Đầu tư. ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) băn khoăn về dự thảo quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết dự thảo luật lần này đã bổ sung một số quy định mới để làm sao đảm bảo được các nhiệm vụ quốc phòng an ninh cũng như tránh các đầu tư núp bóng và đầu tư chui cũng như đầu tư tại các địa bàn có nhạy cảm để đảm bảo về quốc phòng an ninh.

Theo Lê Hiệp/Thanh Niên
Cùng chuyên mục