dd/mm/yyyy

Cam Lộ xây dựng nông thôn mới gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, huyện Cam Lộ không chỉ đang dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới (NTM) mà còn có nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao.

Nhiều cây trồng mới hiệu quả

Những ngày cuối tháng 2, nông dân xã Cam Tuyền (Cam Lộ) phấn khởi ra đồng thu hoạch cây ngưu tất. Đây là giống cây dược liệu lấy củ huyện Cam Lộ tiên phong trồng ở tỉnh Quảng Trị - nơi khí hậu khắc nghiệt, gió Lào, cát trắng. Được cán bộ kỹ thuật của huyện tận tình hướng dẫn cách chăm sóc, những nông dân ở xã Cam Tuyền đã cơ bản nắm bắt kỹ thuật. Cây ngưu tất phát triển tốt, phù hợp với đặc điểm khí hậu, đất đai, ít sâu bệnh.

Lãnh đạo huyện Cam Lộ thăm nông dân thu hoạch cây ngưu tất cho hiệu quả cao. N.V
Lãnh đạo huyện Cam Lộ thăm nông dân thu hoạch cây ngưu tất cho hiệu quả cao. N.V

Sau 4 tháng kể từ ngày xuống giống, nông dân xã Cam Tuyền đã thu hoạch với sản lượng 9-10 tấn củ tươi/ha, theo giá thị trường mỗi kg củ tươi có giá 10.000 đồng. Như vậy, mỗi ha ngưu tất cho doanh thu khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 60-70 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cây trồng truyền thống như ngô, lạc… Kết quả tích cực này đã mang lại niềm tin cho nông dân, tới đây huyện Cam Lộ sẽ triển khai nhân rộng diện tích trồng cây ngưu tất.

Tại vùng Cùa (2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa) thuộc huyện Cam Lộ, những ngày này nông dân vùng đất đỏ bazan này cũng đang tất bật thu hoạch sắn dây, loài cây lấy củ cho giá trị kinh tế rất cao. Ông Bùi Thanh Bình (xã Cam Chính) cho biết, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông cải tạo 0,5 ha đất vườn, đầu tư hơn 50 triệu đồng lắp đặt giàn lưới che nắng, đào giếng chủ động nguồn nước tưới, ươm giống, đắp đất thành ụ nổi và tiến hành trồng 100 gốc sắn dây.

Người dân huyện Cam Lộ đóng góp công sức san đường đổ bê tông nông thôn. N.V
Người dân huyện Cam Lộ đóng góp công sức san đường đổ bê tông nông thôn. N.V

Sau 8 tháng chăm sóc, ông Bình thu hoạch với năng suất mỗi bụi sắn dây khoảng 1 tạ củ tươi. Theo giá trị trường, mỗi kg củ tươi có giá 15.000 -20.000 đồng, nếu bán bột khô giá khoảng 200.000 đồng. Như vậy, với 1ha trồng sắn dây nông dân sẽ có doanh thu khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 150 triệu đồng.

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Cam Lộ còn trồng nhiều loại cây trồng mới mang lại hiệu quả như cây dược liệu cà gai leo, hiện có 7,9 ha, năng suất khô đạt 20-24 tạ/ha/năm, doanh thu 160-190 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi 100-130 triệu đồng/ha. Cây chè vằng với diện tích 53ha, doanh thu 120 triệu đồng/ha; cây ổi Đài Loan cho thu hoạch mỗi năm 2-3 vụ, thu nhập 300 triệu đồng/năm.

Cây sắn dây được trồng ở huyện Cam Lộ cho thu nhập cao. N.V
Cây sắn dây được trồng ở huyện Cam Lộ cho thu nhập cao. N.V

Ông Ngô Quang Chiến – Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, những cây trồng mới mang hiệu quả kinh tế cao đã tạo niềm tin cho nông dân, tới đây huyện sẽ mở rộng diện tích để sản xuất theo hướng hàng hoá, tạo thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh đi tìm cây trồng mới, hỗ trợ vốn, hướng dẫn nông dân khoa học kỹ thuật, lãnh đạo các cấp, ngành của huyện còn đi tìm, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, từ đó tạo nên mối liên kết sản xuất – tiêu thụ bền vững.

Phấn đấu trở thành huyện NTM

Đến những làng quê ở huyện Cam Lộ, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi bởi môi trường, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, nhà cửa khang trang, bộ mặt nông thôn đã cải thiện rõ rệt. Ở Cam Lộ bây giờ có phong trào “nhà nhà trồng hoa, người người trồng hoa”. Hoa được trồng từ nhà ra đường, đẹp rực rỡ.

Ông Trần Văn Huy (trú xã Cam Hiếu, Cam Lộ) phấn khởi cho biết, từ khi người dân hiểu và tham gia tích cực vào xây dựng NTM, làng quê trở nên tươi đẹp hơn, đáng sống hơn. “Mấy đứa cháu của tôi mỗi khi đi học, đi làm ở xa về đều vui cười, tìm đến những vườn hoa, đường hoa ở khắp xóm làng để chụp ảnh đăng facebook khoe với bạn bè khắp nơi. Chúng nói rằng, ở phố thị ngột ngạt, về quê cảnh thanh bình, tươi đẹp, đường sá được bê tông, láng nhựa đẹp như tranh” – ông Huy nói.

Vì một miền quê đáng sống như vậy nên người dân Cam Lộ ngày càng tích cực đóng góp công sức, tiền của để xây dựng NTM. Với việc xác định xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu cây trồng, huyện Cam Lộ đã đạt nhiều thành quả đáng khích lệ. Đến cuối năm 2018, Cam Lộ đã hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn NTM và phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2020.

Đường quê ở huyện Cam Lộ rực rỡ hoa.
Đường quê ở huyện Cam Lộ rực rỡ hoa.

Ông Ngô Quang Chiến – Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, có được những kết quả đó là nhờ vào sự đồng lòng, đồng sức của chính quyền, đơn vị các cấp và nhân dân toàn huyện. Những đơn vị chuyên ngành như Công an huyện Cam Lộ cũng tham gia quyên góp hàng trăm triệu đồng để làm đường, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ người dân về sản xuất, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần, góp phần xây dựng NTM.

Theo ông Chiến, thời gian tới cán bộ, nhân dân huyện Cam Lộ cần đoàn kết, không ngừng phấn đấu, cùng nhau xây dựng gia đình, quê hương giàu mạnh. Bên cạnh đó, huyện Cam Lộ cần sự giúp sức của cấp trên và các mạnh thường quân về nguồn vốn để đạt mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2020.

Ngọc Vũ