dd/mm/yyyy

Cảm nhận "Bài thơ về đôi dép" của Nguyễn Vũ Điền

"Bài thơ về đôi dép" của Nguyễn Vũ Điền, một bài thơ hay, viết về tình cảm của những người lính tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam...

CCB tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tham lại chiến trường xưa

"Bài thơ về đôi dép" bài thơ của tình đồng chí, đồng đội

Tôi đã từng đọc "Bài thơ về đôi dép" của Nguyễn Vũ Điền trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một bài thơ hay, viết về tình cảm của những người lính dành cho nhau sau cuộc chiến mà mãi gần đây mới biết ông là một cựu chiến binh hiện đang sống ở Sơn La, nơi đặt Văn phòng tòa soạn của báo, nơi tôi đang công tác.

Vào ngày cuối thu, tôi đến thăm ông Nguyễn Vũ Điền tại Trụ sở Hội Khoa học Lịch sử, nơi ông đang đảm nhiệm chức danh là Chủ tịch Hội. Với phong cách cởi mở, chân thành vốn thường thấy ở các cựu chiến binh, ông đã dành thời gian để tâm sự với tôi về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Campuchia và bối cảnh để ông viết bài thơ này.

Cảm nhận "Bài thơ về đôi dép" của Nguyễn Vũ Điền - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Vũ Điền, tác giả bài tờ "Bài thơ về đôi dép". (Người đứng bên tay trái). Ảnh: NVCC

Ông Điền cởi mở tâm sự: Tháng 8 năm 1978, khi học hết năm thứ 3 tại khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì ông được lệnh nhập ngũ. Đó cũng là những năm tháng mà cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, chống lại sự xâm lược của tập đoàn Pol Pôt – Ieng xary tại các tỉnh biên giới Tây Nam nước ta đã diễn ra hết sức ác liệt. Trường Đại học Tổng hợp của ông có 56 người cùng nhập ngũ. Nhưng rồi trớ trêu thay, chỉ có mỗi ông bị "văng" đi thật xa, đến tận chiến trường Campuchia. Vì là sinh viên đại học - gọi là có chút chữ nghĩa - nên ông được phân công về tiểu đội vô tuyến của Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 bộ binh.

Gần hai năm ở chiến trường, ông đã cùng đơn vị tham gia rất nhiều trận đánh, lăn lộn suốt từ tỉnh Kra'tie - đông bắc Campuchia, đến Kongpong Cham, Seam Riep, Bat tam boong, Pailin, Beantay Meanchey và đến tận Otdo Meanchey - giáp biên giới Thái Lan. Ông là người đã trực tiếp tham gia và chứng kiến những gian khổ, hy sinh vô bờ bến của những người lính tình nguyện Việt Nam trong những năm tháng quân đội ta chiến đấu trên đất bạn.

Từ cảm xúc của cuộc chiến, năm 2018, ông viết cuốn hồi ký "Rừng khộp mùa thay lá". Cuốn sách được Nhà xuất bản Trẻ in và phát hành rộng rãi và đã được tái bản năm 2020. Năm 2020, "Rừng khộp mùa thay lá" của ông đã được Bộ Quốc phòng tặng giải khuyến khích trong cuộc thi viết về đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; Ban Tuyên giáo Trung ương tặng giải khuyến khích trong cuộc thi về Thông tin đối ngoại…Những năm gần đây, ông viết khá nhiều. Nhiều truyện ngắn và ký của ông được đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và Tạp chí Suối Reo do Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh Sơn La phát hành.

Cảm nhận "Bài thơ về đôi dép" của Nguyễn Vũ Điền - Ảnh 3.

Những người CCB tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tham lại chiến trường xưa. Ảnh: NVCC

Bài thơ về đôi dép - kí ức không quên

Ông nói với tôi rằng, ông không biết làm thơ và không thích thơ. Nhưng tháng 12/2019, khi cùng đồng đội trở lại Campuchia, thăm lại những địa danh đã từng diễn ra những trận đánh sinh tử giữa đơn vị ông với bọn Pol Pot, khi đứng bên bờ hồ Ampil, nghe anh Đào Chí Công, một đồng đội của ông đọc bài thơ "Gửi bạn bè đã làm xong nghĩa vụ" của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu (cũng là đồng đội của ông), ông và rất nhiều người đã khóc. Khóc bởi thương đồng đội, thương những người mãi mãi không trở về. Họ đã chết để cho ông và đồng đội được trở về và sống đến hôm nay. Và từ đó, ngoài viết văn, ông bắt đầu làm thơ. Những bài thơ của ông chủ yếu cũng viết về đồng đội. Viết để trải lòng và ghi nhớ, tưởng niệm những người đã hy sinh trong những trận đánh sinh tử với kẻ thù:

" Chiến tranh

Ngược với hòa bình

Chỉ có pháo

Có bom

Và đầu rơi, máu chảy

Những mái nhà đang rừng rực cháy

Những đứa trẻ mồ côi ngằn ngặt khóc ven đường

Những bữa cơm nấu vội giữa rừng

Những trận đánh

mấy chục năm sau không thể nào quên được.

Bạn hi sinh, không đứa nào dám khóc

Sợ nước mắt làm nghiêng ngả hàng quân"…

Cảm nhận "Bài thơ về đôi dép" của Nguyễn Vũ Điền - Ảnh 4.

Những người CCB tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tham lại chiến trường xưa. Ảnh: NVCC

Chiến tranh đã kết thúc lâu rồi. Nhưng với những người lính trở về sau cuộc chiến, ám ảnh về những gì đã trải qua trong những tháng năm khốc liệt ấy mãi không xua đi được. Hàng ngày, hàng đêm vẫn khiến họ phải đau đáu hướng về những hy sinh, mất mát mà họ và đồng đội đã trải qua, nhất là với những người đã phải bỏ lại một phần thân thể của mình nơi đất khách.

Rồi ông nhắc đến Trần Tú - một chiến sỹ vận tải của đơn vị. Trong một lần đưa tử sỹ về tuyến sau, chiếc xe chở Tú và gần chục liệt sỹ bị dính mìn chống tăng do địch cài lại. Xe bị lật và Tú bị thương, phải cắt mất chân trái. Dù phải tập tễnh trên một chiếc chân giả, nhưng Tú luôn là một người chồng, người cha hết mực yêu thương gia đình. Không lương bổng, không đãi ngộ gì ngoài mấy triệu tiền thương tật. Tú phải bươn chải cùng vợ kiếm sống nuôi con. Hàng ngày, với chiếc xe máy cà tàng, Tú đi lấy hàng sỉ về cho vợ bán lẻ ở con hẻm gần nhà. Anh cũng là một thành viên tích cực trong Ban Liên lạc Hội CCB Tiểu đoàn 6 năm xưa. Trước hôm mắc covid -19, Tú vẫn lặn lội đến từng gia đình đồng đội để chia sẻ và trao quà của Ban Liên lạc tặng các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ông cũng nhắc đến một người nữa, đồng đội của ông - tên Hoàng, chiến sỹ khẩu đội Cối 82, thuộc Đại đội 12 - được đồng đội đặt tên húy là "Hoàng Đế". Ở khẩu đội cối, Hoàng được phân công mang bàn đế cối. Cái bàn đế khẩu cối 82 nặng 17kg, to như cái chảo cứ úp trên lưng Hoàng như mai con rùa trong suốt những cuộc hành quân xuyên qua những cánh rừng khộp mênh mông trên đất khách. Hoàng vẫn được gọi với một cái tên rất "oai phong lẫm liệt"- Hoàng Đế. Anh em đùa rằng, đang là dân, vào lính lại trở thành vua, thành hoàng đế. Hoàng  cũng dính mìn trong một trận đánh. Anh bị cụt mất chân phải.

Cảm nhận "Bài thơ về đôi dép" của Nguyễn Vũ Điền - Ảnh 5.

Những câu chuyện về chiến tranh, sự hy sinh cao cả của những người lính xứng đáng được tôn vinh để thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về những đóng góp, mất mát của cha anh. Ảnh: NVCC

Năm 2019, Đoàn Cựu chiến binh Trung đoàn 174 đến thăm khu Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam. Khi cả đoàn xem quầy bán đồ lưu niệm, anh Bùi Xuân Tiến, một đồng đội trong đoàn gọi ông:

- Điềng, Điềng...mầy lại đây tau biểu.

Ông chạy lại, anh Tiến chỉ tay vào đôi dép cao su trong tủ kính:

- Mầy mua đôi dép râu này, tặng nguyên hai thằng. Mua một được hai nè.

Ông ớ người. Anh Bùi Xuân Tiến chỉ vào Tú và Hoàng rồi nói:

- Thì đó. Hai thằng nè. Thằng mất chân phải, thằng mất chân trái. Mua một đôi, tặng cả hai thằng, đúng không?

 Sau ngày đó, ông cứ nghĩ về câu nói đùa của đồng đội, và rồi "Bài thơ về đôi dép" ra đời. Đó là bài thơ tặng cho đồng đội của mình như một lời tri ân những người lính đã hi sinh hoặc bỏ lại một phần thân thể của mình trong cuộc chiến.

Tới đây, tôi xin đăng "Bài thơ về đôi dép" của tác giả Nguyễn Vũ Điền lên đây để mọi người đọc và cảm nhận: 

BÀI THƠ VỀ ĐÔI DÉP

(Thân tặng đồng đội Trần Tú và Hoàng Đế của tôi)

Anh trở về sau năm tháng đi xa

Cặp nạng gỗ bập bềnh trên mặt cát

Đôi dép cao su, giờ chỉ dùng một chiếc

chiếc bên kia, anh tặng bạn anh rồi.

Dép hay giày luôn phải có đôi

Như anh với em,

như chồng với vợ

Vậy mà nay, mỗi thằng một nửa

Anh chiếc bên này...

và bạn chiếc bên kia

Hai chiếc dép xa nhau

Nhưng không phải chia lìa

Vẫn gắn chặt trên đôi chân người lính

Họ đã cùng nhau vượt qua trăm trận đánh

Mỗi người một chân...

bỏ lại chiến trường.

Đôi dép sẽ theo các anh bước tiếp chặng đường

Dẫu mai này vẫn còn gian khó

Trong trái tim vẹn nguyên ngọn lửa

Những năm tháng chiến trường nâng bước các anh đi.

Văn Ngọc