Căn bệnh khiến 1/3 số người mắc tử vong do chẩn đoán sai, điều trị chậm

Bạch Dương Thứ tư, ngày 22/03/2023 14:37 PM (GMT+7)
Thuyên tắc phổi là bệnh lý cấp tính nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Với mô hình đội nhóm phản ứng nhanh trong điều trị thuyên tắc phổi, người bệnh được điều trị kịp thời, giảm tỷ lệ tử vong và tránh được các biến chứng lâu dài.
Bình luận 0
Căn bệnh khiến 1/3 số người mắc tử vong do chẩn đoán sai, điều trị chậm - Ảnh 1.

BS Bùi Thế Dũng đang khám cho người bệnh. Ảnh: BVCC

Mới đây, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận người bệnh T.T.H (61 tuổi, ngụ tại TP.HCM) trong tình trạng khó thở, đau ngực, tụt huyết áp. Sau khi tiến hành siêu âm tim và chụp CT scan ngực cho người bệnh, bác sĩ phát hiện tình trạng suy tim cấp do cục máu đông gây tắc các nhánh lớn động mạch phổi.

Ngay lập tức, đội nhóm phản ứng nhanh trong điều trị thuyên tắc phổi hội chẩn để đưa ra phương án điều trị tối ưu cho người bệnh. Sau hội chẩn, ông H. được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết để tái thông mạch máu phổi. Chỉ sau vài giờ, người bệnh hết đau ngực, huyết áp dần ổn định. 4 ngày sau điều trị, hình ảnh siêu âm tim và CT scan ngực trở lại bình thường.

ThS BS. Bùi Thị Hạnh Duyên – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, thuyên tắc phổi là tình trạng tắc động mạch phổi thường do huyết khối từ hệ tĩnh mạch sâu chi dưới. Đây là bệnh lý cấp tính nguy hiểm có thể dẫn đến suy hô hấp cấp, suy tuần hoàn cấp, tăng áp phổi cấp và tử vong.

Nguy hiểm hơn, triệu chứng thuyên tắc phổi có thể khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào thể tích phổi, kích thước cục máu đông và khả năng mắc các bệnh về phổi hoặc tim mạch. Mặt khác, các triệu chứng của thuyên tắc phổi còn rất giống với nhiều tình trạng bệnh lý khác nên thường dễ bị nhầm lẫn.

Các yếu tố nguy cơ chính của thuyên tắc phổi gồm: Sau phẫu thuật (phẫu thuật lớn ở vùng bụng, vùng chậu, thay khớp háng, đầu gối,...), yếu tố sản khoa (giai đoạn cuối thai kỳ, mổ lấy thai, hậu sản), bệnh lý ác tính (ung thư vùng bụng - chậu, giai đoạn di căn), gãy xương chi dưới, hạn chế vận động (do nhập viện, người cao tuổi), tiền căn có huyết khối tĩnh mạch...

Theo TS BS. Bùi Thế Dũng – Trưởng khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, có khoảng 1/3 số người bị thuyên tắc phổi tử vong do chẩn đoán và điều trị chậm trễ. Những trường hợp còn lại dù vẫn giữ được tính mạng nhưng phải đối mặt với nhiều biến chứng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy mà việc điều trị đúng cách và kịp thời cần được đánh giá là vô cùng quan trọng.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mô hình đội nhóm phản ứng nhanh thuyên tắc phổi (PERT) được triển khai từ năm 2012, giúp người bệnh thuyên tắc phổi nguy kịch được điều trị kịp thời, giảm tỷ lệ tử vong, tránh được các biến chứng lâu dài của bệnh.

Khi có trường hợp thuyên tắc phổi nặng, đội nhóm phản ứng nhanh sẽ tập hợp ngay lập tức với sự có mặt của nhiều chuyên gia. Nhóm chuyên gia này sẽ quyết định phương pháp điều trị tối ưu nhất cho người bệnh, huy động mọi nguồn lực để người bệnh được tiếp cận các phương pháp điều trị kỹ thuật cao sớm nhất có thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem