Cán bộ, công chức bị cách chức có thể được bổ nhiệm lại?

PV Thứ bảy, ngày 17/08/2019 15:37 PM (GMT+7)
Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức sau khi hết thời hạn 12 tháng, vẫn có thể được bổ nhiệm lại là một trong những nội dung đáng chú ý được sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020.
Bình luận 0

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Khoản 3 Điều 82 Luật cán bộ, công chức 2008, cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều này đồng nghĩa với việc cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật thì không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, nhưng vẫn có thể xem xét bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn.

img

Theo Dự thảo luật cán bộ, công chức, các cán bộ, công chức bị cách chức có thể được bổ nhiệm lại.

Theo quy định hiện hành, Luật cán bộ, công chức 2008 quy định cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì đương nhiên không được bổ nhiệm, kể cả bổ nhiệm lại.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch hoặc thôi việc, tức vẫn được xem xét giải quyết nghỉ hưu. Theo quy định hiện hành, những người này sẽ không được giải quyết nghỉ hưu.

Bên cạnh đó, Điều 80 về "Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật" cũng được đề nghị sửa đổi. 

Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật là 60 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Theo quy định hiện hành, thời hiệu xử lý kỷ luật là 12 tháng. 

Đối với các hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật: Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; Có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả, không hợp pháp.

Còn Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 150 ngày.

Trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật; trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người ra quyết định phải gửi quyết định và hồ sơ vụ việc cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật.

*Tư vấn: Thư ký luật

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem