Cần "đòn bẩy" cho nông nghiệp chất lượng cao "cất cánh"
Cần "đòn bẩy" cho nông nghiệp chất lượng cao "cất cánh"
Ngọc Giàu
Thứ hai, ngày 11/12/2023 14:13 PM (GMT+7)
Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao đời sống người dân. Thế nhưng, bên cạnh những thành tựu đạt được, tỉnh cần có những quyết sách phù hợp, đưa nông nghiệp cao phát triển mạnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định nông nghiệp là một trong 3 trụ cột chính của tỉnh Đắk Nông. Để phát huy, tiềm năng lợi thế của tỉnh, từ năm 2010 đến nay tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch để phát triển nông nghiệp bền vững trong đó chú trọng đến việc phát triển các vùng sản xuất xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; hướng tới sơ chế, chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhà.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười tham quan gian hàng sản phẩm đặc trưng OCOP của TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Trong đó, tập trung các nguồn lực của tỉnh để hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh (gồm: Cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, thủy sản, lúa, ngô,…).
Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đang từng bước được các tổ chức, cá nhân đầu tư mở rộng và đạt được một số kết quả nhất định, nổi bật, như:
Đã hình thành một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 120 ha và công nhận được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích là 2.423,17 ha (cụ thể: 1 vùng sản xuất cà phê tại xã Thuận An, huyện Đăk Mil; 2 vùng sản xuất Hồ tiêu tại xã Thuận Hà và xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song; 1 vùng sản xuất lúa tại Buôn Choáh, huyện K'rông Nô); công nhận được 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã triển khai hỗ trợ, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Đặc biệt là việc sử dụng các giống cây trồng mới năng suất cao, chất lượng, kháng sâu bệnh, chịu hạn tốt,… góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó nâng cao giá trị nông sản của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 392 trang trại chăn nuôi, đã hình thành được 7 chuỗi liên kết trong chăn nuôi, tạo đầu ra sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế khá cao.
Đến nay, nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng: Toàn tỉnh có 35/60 xã đạt nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 15,42 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; TP Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 tại Quyết định số 472/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2022.
Hiện nay đang tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Diện mạo và kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống và thu nhập người dân từng bước được cải thiện.
Cần "đòn bẩy" cho nông nghiệp công nghệ cao
Bên cạnh những thành tựu trên, sản xuất nông nghiệp Đắk Nông còn manh mún, nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế; liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản trong sản xuất nông nghiệp chưa chặt chẽ, chưa phổ biến, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu; ngành nghề nông thôn chưa phát triển; chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp chưa cao;
Khoa học công nghệ trong nông nghiệp vừa thiếu lại vừa lạc hậu. Mặc dù một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp, nhưng nhìn chung vẫn còn rất ít, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp không đáng kể. Thiết bị và công nghệ chế biến sau thu hoạch còn lạc hậu, kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản chế biến còn chưa phát triển, quy mô nhỏ; đội ngũ khoa học nông nghiệp tuy đông nhưng không mạnh, còn thiếu cán bộ đầu ngành giỏi, thiếu các nghiên cứu chuyên sâu trên một đơn vị sản phẩm.
Việc huy động nguồn lực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, ngân sách đầu tư của nhà nước còn quá thấp so với yêu cầu, ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình còn rất hạn chế, trong khi đó ngân sách tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; vốn huy động trong nhân dân còn hạn chế.
Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống đường trục chính, đường vận tải còn thiếu. Việc thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng của chính quyền địa phương triển khai chậm.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, hiện nay nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đang đối mặt với bài toán "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Do đó, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, sinh thái, trách nhiệm; tập trung phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản; thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể nông nghiệp phát huy vai trò liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biên và tiêu thụ nông sản; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu; tập trung thực hiện thu hút, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu, nâng cấp hệ thống thông tin thị trường nông sản, quản lý mã số vùng trồng để cung cấp thông tin, thị trường nông sản kịp thời; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm; Hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.