Cần liên tục cập nhật kỹ năng nghề mới cho lao động nông nghiệp

Nhóm PV Thứ sáu, ngày 25/12/2020 12:04 PM (GMT+7)
Không chỉ đào tạo nghề cơ bản cho lao động nông nghiệp mà còn cần phải đào tạo cả các kỹ năng nghề mới, hiện đại theo xu hướng phát triển. Ngoài ra, còn cần đào tạo cả kỹ năng nghề quản lý, quản trị để nông dân có thể làm ông chủ.
Bình luận 0

Sáng nay (25/12,) Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Bộ LĐTB&XH tổ chức tọa đàm trực tuyến: "Tăng cường xây dựng kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp".  

Phóng sự: "Kỹ năng nghề của lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp"

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho rằng trình độ của người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Vì nhiều nghề công nghệ giản đơn, yêu cầu các kĩ năng giản đơn nên người lao động ít được quan tâm, bản thân họ cũng không có động lực trong việc trau dồi kỹ năng nghề, việc đào tạo cho họ còn chưa được chú trọng. Có khoảng 34,5% người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là lao động giản đơn. Có thể thấy, người lao động và chủ doanh nghiệp đều mong muốn được phát triển kĩ năng của mình.


Cần liên tục cập nhật kỹ năng nghề mới cho lao động nông nghiệp   - Ảnh 1.

Các vị khách mời tham gia tọa đàm.

Khó để trả lời chính xác về thực trạng kỹ năng nghề của lao động hiện có. Trong thời đại 4.0, gần như các lĩnh vực đều cùng một vạch xuất phát do các sáng tạo công nghệ liên tục xuất hiện. Người lao động cần phải trang bị, cập nhật kỹ năng liên tục. Kỹ năng nào thiếu, cần, thì chúng ta cần bám vào thị trường, xu thế phát triển của khoa học công nghệ, khảo sát điều tra liên tục, thì mới có thể nói chính xác được.

Tham dự buổi tọa đàm có: Tiến sĩ Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) - thành viên Hội đồng Kỹ năng nghề ngành nông nghiệp, trưởng Ban thư ký Hội đồng; ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); PGS.TS Nguyễn Thị Thuận – Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN; Tiến sĩ Bùi Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật và Thủy sản Bắc Ninh.

"Nói về kỹ năng cần phải có tôi cũng muốn nói thêm rằng, chúng ta là một đất nước phát triển nông nghiệp. Hiện nay, trên thế giới đã có những trang trại thông minh, trang trại số ứng dụng công nghệ cao, giúp người nông dân áp dụng khoa học hiện đại vào sản xuất. Tôi cho rằng ngoài những kỹ năng truyền thống mà người nông dân đang sử dụng khi canh tác, họ cần liên tục cập nhật những kỹ thuật mới, để phát triển năng lực của mình, phát triển khả năng canh tác cũng như chất lượng sản phẩm", ông Trường nói thêm.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng cục Kinh tế hợp tác phát triển (Bộ NNPTNT) cho hay: Hiện nay có nhiều hình thức để nâng cao kỹ năng nghề cho lao động. Bức tranh rất phức tạp về kỹ năng nghề, các kỹ năng đan xen. "Ngoài đào tạo kỹ năng nghề cơ bản, cần hướng tới đào tạo kỹ năng quản trị, quản lý để lao động có thể làm chủ", ông Thịnh nói.

Quay chở lại vấn đề, ông Nguyễn Chí Trường tán đồng với ý kiến của ông Nguyễn Đức Thịnh. Tuy nhiên ông Trường cho rằng con số hơn 4% lao động nông nghiệp có kỹ năng là chưa đủ, còn phải cập nhật các lao động có kỹ năng từ thực tế. Con số này chưa phản ánh được thực tế, chưa phản ảnh đúng thực chất. Cần đánh giá thực chất chất lượng lao động làm việc, đóng góp gì cho tăng trưởng.

"Chúng ta nên có con số thống kê toàn diện hơn, chính xác hơn, hướng tới đánh giá cả lao động có kỹ năng thực tế mà chưa qua đào tạo", ông Trường cho hay.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cho rằng chỉ cần có bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề người lao động sẽ tự đào tạo, có thể đào tạo kỹ hơn, linh hoạt hơn, nhấn mạnh tới kỹ năng nghề mới, hiện đại.

Kỹ năng quyết định tiêu chuẩn sản phẩm

Bày tỏ quan điểm trước những vấn đề trên PGS.TS Nguyễn Thị Thuận, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN cho rằng không chỉ nông dân, doanh nghiệp, HTX đều có nguyện vọng được  đào tạo kỹ năng nghề. Kỹ năng nghề mang lại rất nhiều lợi ích cho các bên có liên quan các trường, cơ sở đào tạo và người lao động. Vì thế ban hành kỹ năng nghề sẽ góp phần định hướng cho cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp biết được các kỹ năng cần thiết để áp dụng vào thực tiễn góp phần tăng chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa.

Nông nghiệp ngày nay không phải như xưa nữa, có nhiều vấn đề cần quan tâm: Ví dụ như đất như thế nào, nước thế nào, hóa chất bảo vệ?....

"Phương pháp thực hiện các biện pháp sản xuất trong nông nghiệp lâu nay thường cha truyền con nối. Trước kia chỉ đủ lương thực để ăn, giờ phải nghĩ đến chất lượng sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm đó", bà Thuận nói.

Dẫn chứng cho vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Thị Thuận cho ví dụ về giá tiền gạo ST25 cao gấp nhiều lần gạo chúng ta thường sản xuất. Điều đó cho thấy kỹ năng nghề rất quan trọng. Từ kỹ năng để đo đạc đất đã đủ tiêu chuẩn chưa để ra gạo an toàn, ngon, dẻo đều xuất phát từ kỹ năng. Kỹ năng đó đều kéo nhiều yếu tố đi theo đấy là công nghệ mới, máy móc thiết bị mới. "Tôi thấy rằng hiện này bà con trong lĩnh vực nông nghiệp thiếu nhiều về công nghệ, máy móc thiết bị. Vì thế cũng cần tăng đào tạo kỹ năng mới này để giúp nông dân ứng dụng", bà Thuận cho hay. 

Cần thực hiện khảo sát kỹ những kỷ năng người lao động nông nghiệp đang có. Từ đó áp dụng vào đào tạo kỹ năng nghề cho phù hợp.

 Lao động có kỹ năng giúp tăng năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem