Cần rà soát lại toàn bộ các dự án FDI

Thanh Xuân (thực hiện) Thứ hai, ngày 12/09/2016 06:15 AM (GMT+7)
Đó là nhận định của TS. Phan Hữu Thắng– Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐ) khi nói về các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau gần 30 Việt Nam triển khai thu hút đầu tư.
Bình luận 0

Thưa ông, nhìn lại gần 30 năm từ khi triển khai thu hút đầu tư FDI của Việt Nam, ông có đánh như thế nào về các dự án đầu tư của FDI tại nước ta?

 

- Tính đến năm 2017 là tròn  30 năm Việt Nam triển khai thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi cho rằng, thắng lợi và thành tựu là chủ yếu và tồn tại là thứ yếu.  

Từ 1987 đến 1988, 1990, trong suốt 3 năm  chúng ta cũng chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI. Do đó, năm 1995 cũng chỉ dám đề ra  mục tiêu “khiêm tốn” là khoảng 2 tỷ USD bởi lúc đó dự án đầu tư FDI mà có số vốn 100 triệu USD đã là quá lớn. Nếu so với thời kỳ đó đến nay thì  có thể thấy  đã khác nhau rất nhiều rồi. Xét về tổng vốn đầu tư FDI giai đoạn 1990 – 2.000 là trên 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đến nay do khu vực kinh tế tư nhân phát triển mới giảm xuống còn 25%. Tức là vai trò của FDI rất lớn, nhờ có nguồn vốn này ngoài các khoản viện trợ ODA, chúng ta mới có thêm nhiều lĩnh vực sản xuất, tạo công ăn việc làm thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển. Đến thời điểm hiện nay, chúng ta mới có cuộc sống đàng hoàng hơn, từ hàng tiêu dùng may mặc, giầy dép, mỳ chính, đến nay cả viễn thông, hóa dầu, lọc dầu, điện tử, cơ khí, xi măng, sắt thép… nền kinh tế tăng lên, người dân cũng có cuộc số tốt hơn rất nhiều.

img

Thú hút FDI đóng góp nguồn lực lớn cho tăng trưởng kinh tế cả nước cũng như các địa phương. Ảnh: I.T

Tôi cho rằng, để chuẩn bị cho thời điểm tổng kết 30 năm thu hút FDI cần tiến hàng rà soát lại toàn bộ dự án trên từng địa phương, trong từng lĩnh vực để xem có bao nhiêu dự án FDI. Các dự án FDI đang làm tốt hay không tốt, còn lại bao nhiêu đã cấp phép mà không làm để có đánh giá cụ thể, từ đó rút ra những kinh nghiệm nhằm quản lý tốt hơn trong thời gian tiếp theo”.

TS Phan Hữu Thắng

Thực tế, các dự án đầu tư của FDI theo ông có phải toàn là “mầu hồng” hay vẫn còn rất nhiều những tồn tại, nhất là sau câu chuyện Formosa?

- Tồn tại của các dự án đầu tư FDI thực ra là luôn luôn có và cứ “âm ỉ” tăng dần   cho tới khi Formosa bộc lộ rõ rệt nhất. Tác động của Formosa không còn ở phạm vi trong một huyện, tỉnh mà ảnh hưởng rất nhiều tới môi trường của nhiều tỉnh.

Ngoài vấn đề về môi trường, các dự án đầu tư FDI hiện còn bộc lộ một số những hạn chế mà nhiều năm qua chưa khắc phục được như: các dự án FDI cấp mới có quy mô vốn nhỏ, thậm chí dưới 1 triệu USD tái xuất hiện và các dự án loại này theo số liệu chiếm tới trên 60% trong 7 tháng đầu năm 2016; tình trạng các chủ dự án FDI vay vốn của các ngân hàng trong nước. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước,  cho thấy, hiện nay dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp FDI ước khoảng 100.000 tỷ đồng thì chẳng khác nào là “lấy mỡ nó rán nó”; FDI vẫn đầu tư vào công nghệ chế biến, chế tạo nhưng lại chủ yếu là nắp ráp, tỉ lệ nội địa hóa thấp; công nghiệp hỗ trợ còn yếu, hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết giữa FDI với khu vực trong nước chưa cao; tỷ lệ đầu tư 100% vốn từ nước ngoài chiếm quá cao, lên tới 80% các dự án…mới đây còn có thêm những thông tin phản ánh, nhiều doanh nghiệp FDI chỉ sử dụng lao động từ 1- 4 năm, sau đó sa thải công nhân để tuyển lứa mới nhằm giảm chi phí từ tiền lương, phục cấp và bảo hiểm…

Chỉ riêng Fosomosa, theo ông phải chăng đây là đỉnh điểm của những tồn tại bị bộc lộ đối với các dự án FDI?

- Tôi cho rằng Formosa đúng là đỉnh điểm và cần phải nghiêm túc xem lại toàn bộ dự án Formosa để thấy mình yếu ở khâu nào. Mời gọi đầu tư đúng hay chưa đúng, tại sao nhà nước có tài nguyên lớn như thế; ý tưởng khởi đầu cho dự án năm nào, vào danh mục kêu gọi đầu tư năm nào; những nhà đầu tư nào đã tham gia, và tại sao lại chọn Formosa… Ngoài ra, cần xem xét kỹ cả khâu thẩm định cấp phép đúng chưa, hồ sơ nộp như vậy hoàn chỉnh chưa; có hiểu công nghệ của Formosa không; danh mục máy móc thiết bị có đúng với mô tả không…xem lại toàn bộ quy trình cấp phép, quy trình thẩm định đầu tư, quy trình chuẩn bị cho các điều kiện của dự án…liên quan tới Formosa thật nghiêm túc và toàn diện để soi ra các vấn đề khác nhằm có bức tranh tổng thể về FDI tại Việt Nam.

Theo ông, vì sao các nước cũng thu hút đầu tư FDI mà lại không gặp phải những vấn đề như Việt Nam?

- Thực tế cho thấy, việc có những tồn tại trong đầu tư của FDI cũng là hiện tượng bình thường của thế giới. Hiện nay, tổng vốn FDI đầu tư đang chiếm rất lớn ở các nước đang phát triển với khoảng 70% , trong khi FDI đầu tư vào khu vực các nước phát triển lại ít hơn. Vấn đề là tại sao các nước phát triển thu hút đầu tư FDI không có những tồn tại hoặc có những tồn tại, hạn chế hoặc các hạn chế đó không lớn? Theo tôi, chính là do khâu quản lý của họ rõ ràng và tốt hơn, họ dám thực hiện xử lý các vấn đề chưa đúng. Hay như Úc từ chối việc Trung Quốc hay ngay như Anh cũng từ chối dự án điện của Trung Quốc…Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn lại những tồn tại và thay đổi quan điểm thu hút đầu tư, giống như Thủ tướng Chinh phủ gần đây liên tục nhấn mạnh “không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá”. 

Sau gần 30 năm thu hút đầu tư FDI, theo ông cần có giải pháp gì để quản lý tốt hơn, hạn chế các tồn tại và điểm yếu của loại hình đầu tư này?

- Trước tiên, chúng ta phải nhìn lại mục tiêu chúng ta đặt ra với FDI có thay đổi không. Mục tiêu là huy động vốn cho đầu tư phát triển, đó là mục tiêu rõ ràng không thể thay đổi. Về lâu dài, tôi cho rằng Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển thì việc luân chuyển vốn cũng là chuyện bình thường, có đầu tư FDI của nước ngoài và chúng ta cũng đem vốn đi đầu tư ở các nước khác.

Qua 30 năm nhìn lại, việc thu hút FDI chắc chắn phải thay đổi, không thể bằng mọi giá như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định. Cần lựa chọn các dự án phù hợp và đặt các điều kiện đi kèm như môi trường, trật tư an toàn xã hội, an ninh quốc phòng, văn hóa…

Thực tế cho thấy, chúng ta rất ít khi xét đến văn hóa vì FDI vào kéo theo cả văn hóa, lối sống, cách hàng xử, trang phục, cách nói năng…thay đổi rất nhiều. Nhưng từ ngày xưa chúng ta luôn mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, vốn không phải bằng mọi giá mà phải đi kèm với chất lượng, công nghệ, tiêu chuẩn cao hơn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem