Cần sửa luật cho phép người dưới 18 tuổi hiến tạng

Tuấn Kiệt Thứ tư, ngày 04/04/2018 06:30 AM (GMT+7)
Không ít ca chết não dưới 18 tuổi, cha mẹ của người mất muốn được hiến tạng của con, cứu giúp nhiều người và kéo dài sự sống của con. Tuy nhiên, Luật Hiến mô tạng lại chỉ cho phép người hiến tạng phải trên 18 tuổi.
Bình luận 0

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, câu chuyện của chị Trần Thùy Dương, mẹ bé Hải An muốn hiến tạng của con gái 7 tuổi nhưng luật pháp lại không cho phép là một ví dụ.

img

Người dân đến đăng ký hiến tạng sau khi chết tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.   Ảnh: Trung Lê

Khi tôi tư vấn cho chị như vậy, chị ấy đã nghẹn ngào qua điện thoại và nói: “Tôi muốn nghe được nhịp đập của trái tim con bé trong lồng ngực của ai đó được cứu sống bằng trái tim của cháu. Nếu chỉ hiến được giác mạc thôi thì chưa đủ”. Thật xót xa và cũng thật vĩ đại cho tình yêu của người mẹ” – ông Phúc kể lại.

Ông Phúc cho biết, Luật Hiến mô tạng quy định người hiến tạng khi sống hay khi chết não phải là người từ 18 tuổi trở lên, trước đó đã có đăng ký hiến tạng, mô tạng. Người hiến phải được xác nhận là chết não. Trong trường hợp bé Hải An, cháu mới 7 tuổi, chưa đủ tuổi đăng ký hiến tạng, mô tạng. Đồng thời trong hoàn cảnh của cháu cũng không phải là chết não. Cả hai điều kiện cháu đều không đủ. Do đó, theo luật, Ngân hàng Giác mạc chỉ có thể nhận giác mạc của bé Hải An khi cháu đã qua đời.

Ông Phúc chia sẻ, đã không ít lần ông nhận được những cú điện thoại của các bậc cha mẹ có con bị bệnh, bị tai nạn, được chẩn đoán không qua khỏi nên muốn hiến tạng. Tuy nhiên các cháu đều không đủ 18 tuổi nên đều không thể nhận được. “Cha mẹ các cháu đều có một khao khát là dù con mình mất đi nhưng một phần thân thể của các cháu vẫn còn sống và sống có ý nghĩa trong cơ thể một người khác. Nhưng luật đã quy định thì chúng tôi không thể làm khác đi được” – ông Phúc nói.

Hiện nay, tại một số nước như Mỹ, luật hiến tạng của họ đã điều chỉnh mở rộng đối tượng hiến tạng do chết não có thể dưới 18 tuổi. “Từ câu chuyện thực tiễn của mẹ con chị Dương, có lẽ thời gian tới chúng tôi sẽ có đề xuất với Quốc hội để bổ sung cho phép các trường hợp dưới 18 tuổi khi có sự đồng ý của gia đình cũng có thể đăng ký hiện tạng nếu có trường hợp rủi ro xảy ra, để cơ thể họ có thể giúp đỡ được cho hàng trăm ngàn người bị bệnh hiểm nghèo, chờ chết từng ngày vì không có tạng để cấy ghép” – ông Phúc nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem