Cận tết, phí đổi tiền mới tăng chóng mặt

16/01/2020 08:07 GMT+7
Khách hàng có khi phải chi tới 5 triệu đồng để đổi lấy xấp tiền trị giá 1 triệu đồng.

Càng gần tết Nguyên đán, thị trường đổi tiền mới, tiền lì xì càng thêm nhộn nhịp. Chỉ cần vào Google gõ cụm từ “đổi tiền mới” trong giây lát sẽ hiện ra hàng trăm trang web cung cấp dịch vụ đổi tiền mới dịp tết.

Tiền lẻ giá khủng

Hiện các trang web đang ráo riết mời chào khách bằng đủ chiêu như tiền thật 100%, mới nguyên 100%, nguyên cọc, liền seri, ship tận nơi. Loại tiền được đổi phổ biến nhất hiện nay là mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng.

Đáng chú ý, tiền mệnh giá càng nhỏ thì có mức phí đổi càng cao. Chẳng hạn khách muốn đổi 1.000 đồng hay 5.000 đồng thì mức phí 20%-30%. Khách hàng đổi càng nhiều tiền thì chi phí càng rẻ.

Đặc biệt, với mệnh giá 500 đồng khan hiếm nên phí đổi cao hơn, thậm chí lên tới 300%. Chẳng hạn, với tệp 1 triệu đồng mệnh giá 500 đồng có giá 3-4 triệu đồng tùy thời điểm, thậm chí lên đến 5 triệu đồng. “Hiện những tờ tiền này rất hút khách bởi quan niệm mang lại nhiều may mắn trong năm mới” - chủ một trang web giải thích.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Hậu, chủ một shop kinh doanh tiền sưu tầm, cho biết: Với những nơi rao mức phí 300% để đổi lấy một cọc tiền 500 đồng gần như không có hàng hoặc nếu có thì số lượng rất ít. Bởi hiện tại, giá mua vào với loại tiền mới nguyên seri không dưới 1,7 triệu đồng/cọc, tức là muốn đổi 1 triệu đồng tiền mệnh giá 500 đồng thì đã phải mua vào với giá 3,4 triệu đồng. Khi đến tay người mua nhỏ lẻ, mức phí còn cao khủng khiếp hơn nữa.

Lý giải về việc phí đổi tiền loại 500 đồng cao, anh Hậu chia sẻ: Không chỉ người Việt Nam mà một số thương lái Trung Quốc cũng mua tiền mệnh giá 500 đồng loại in trên giấy cotton. “Họ gom loại tiền này để kinh doanh tiền sưu tầm. Thông thường những tờ tiền không còn lưu hành và có màu sắc đẹp thì càng thu hút giới đầu cơ tiền sưu tầm” - anh Hậu cho hay.

Cận tết, phí đổi tiền mới tăng chóng mặt - Ảnh 1.

Nhu cầu đổi tiền mới, tiền lì xì dịp tết đang sôi động. Ảnh: TL

Chặn tuồn tiền mới ra thị trường chợ đen

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú mới đây cho biết trong dịp tết 2020, NHNN tiếp tục không in tiền lẻ mới như suốt bảy năm qua. Cơ quan chức năng sẽ chủ động cung tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng, gồm cả tiền cũ và tiền mới đã in và phát hành trước đây. Việc không in tiền lẻ trong dịp năm mới giúp ngân sách tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Cụ thể, Nghị định 96/2014 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định: Phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo NHNH cũng cho hay sẽ điều hòa và cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế, bảo đảm nhu cầu thanh toán, vốn tín dụng phục vụ cuối và đầu năm; bảo đảm các hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, thông suốt.

Theo quy định hiện hành, việc kinh doanh dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, các đầu mối cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn hoạt động nhộn nhịp. Đề cập về vấn đề này, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại (không muốn nêu tên) cho hay có những khách VIP bình thường nhận tiền mặt cũ hay mới gì cũng được nhưng cứ đến tết nhất định đòi nhận toàn bộ tiền mới. Bên cạnh đó, không ít khách hàng là các doanh nghiệp cứ đến tết lại đề xuất được đổi tiền mới 100% để chi lương cho người lao động.

“Nói thật, tôi không tin tất cả nguyện vọng đó đều đáng tin 100%. Rất có thể mức phí trong việc đổi tiền mới, tiền lẻ trên thị trường quá hấp dẫn khiến không ít khách hàng cũng tham gia vào đường dây kinh doanh tiền mới” - vị lãnh đạo ngân hàng trên nhận định.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết thêm: Để ngăn chặn tình trạng tiền lẻ, tiền mới tuồn ra bên ngoài, ngay từ cuối tháng 11-2019, NHNN đã ngưng chi tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng. Đây là biện pháp mà cơ quan này đã thực hiện từ nhiều năm và đã đem lại hiệu quả nhất định trong việc chống tuồn tiền mới ra thị trường chợ đen.

Bên cạnh đó, NHNN liên tiếp có các văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại khu di tích, đền chùa, lễ hội hoặc kinh doanh đổi tiền trên mạng.

“Trong các văn bản của NHNN gửi đến các tổ chức tín dụng cũng nêu rõ sẽ xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ lợi dụng đổi tiền mới, tiền lẻ để hưởng chênh lệch” - ông Minh nhấn mạnh.

Thùy Linh/PLO
Cùng chuyên mục