dd/mm/yyyy

Cần thủ câu được kình ngư 60kg nghi cá mập trên vịnh Hạ Long lộ diện

Cần thủ câu được kình ngư nghi cá mập trên vịnh Hạ Long gây xôn xao dư luận mấy ngày gần đây là anh Bùi Công Thắng (trú tại tổ 12, khu 2, phường Hồng Hà, TP.Hạ Long). "Đây là lần thứ 2 tôi câu được loại cá mập này. Con lần này tôi cân được gần 60kg”, anh Thắng nói.

Cần thủ Bùi Công Thắng với kinh ngư nặng gần 60kg câu được trên vịnh Hạ Long.

Thỉnh thoảng vẫn câu được

Chủ nhân câu được con cá mập dài 1,5m cho biết, anh thường xuyên ra ngoài vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) câu cá. Đây không phải là lần đầu tiên anh câu được giống cá mập này.

Anh Thắng cho biết, cách đây ít hôm, anh cùng vài người bạn đi thuyền máy ra khu vực Đầu Bê (ngư dân còn gọi là khu 5 hòn) ngoài vịnh Hạ Long câu cá. Cần câu bất ngờ bị giật mạnh, xác định có cá to mắc câu, anh Thắng và bạn mình đã phải ghì chặt và mất 2 giờ mới dòng được con cá lên khoang thuyền. “Đây là lần thứ 2 tôi câu được loại cá mập này. Hồi năm ngoái tôi câu được con nhỏ hơn, khoảng 30kg. Con lần này tôi cân được gần 60kg”, anh Thắng nói.

Anh Thắng cũng cho biết, ngư dân thường gọi loài cá này là cá nheo, thuộc họ cá mập nhưng rất lành, không gây nguy hiểm đến người như một số loài cá mập khác. Ngoài ra, các bạn câu của anh thỉnh thoảng cũng câu được loại cá này.

Cá mập mắt lợn còn gọi là cá nheo

Thông tin từ sở NN&PTNT Quảng Ninh sáng nay (20.9) cho biết, đã có kết luận chính thức về loài cá này.

Thông tin cho biết, dựa trên kết quả tổng hợp dữ liệu nghiên cứu trong nhiều năm về đa dạng sinh học cá vùng biển vịnh Hạ Long cùng với ảnh chụp loài cá xuất hiện trên mạng xã hội, TS Sinh học cá biển Nguyễn Văn Quân, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển cùng nhóm chuyên gia nghiên cứu về cá Mập thuộc Đại học Tổng hợp Hokkaido, Nhật Bản do Ts. Kazuhiro Nakaya đứng đầu đã đi tới kết luận đây là hình ảnh của loài Carcharhinus amboinensis (Müller & Henle, 1839) thuộc họ cá Mập Carcharhinidae có tên chuyển thể từ tiếng Anh là cá Mập mắt lợn, tên địa phương thường gọi là cá nheo.

Loài cá mập mắt lợn có thân hình mảnh, phần vị trí phía trước của vây lưng thứ nhất cùng với bề mặt rộng của vây lưng thứ nhất đều không có màu đen nổi bật trên cơ thể cũng như các vây khác (trái với loài cá Mập đuôi đốm Carcharhinus sorrah vẫn gặp ở vịnh Hạ Long).

 Đây là hình ảnh của loài cá Mập mắt lợn, tên địa phương thường gọi là cá nheo. Ảnh: facebook

Trên Thế giới, loài này phân bố rộng ở vùng biển Tây Thái Bình dương bao gồm Biển Đông, xung quanh các đảo thuộc Indonesia và phía Bắc nước Úc.

Từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước cho thấy không có sự xuất hiện của loài cá mập tấn công con người nào đã xuất hiện ở khu vực như thông tin mạng xã hội đồn thổi và biển Hạ Long là an toàn cho các hoạt động du lịch, tắm biển của người dân.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà ngư loại học trên thế giới, loài cá này đạt kích thước cơ thể tối đa là 1,9 – 2,5 m và không kết thành đàn lớn mà thành từng cặp lẻ tẻ.

Thức ăn ưa thích của chúng là cá, giáp xác, động vật ở tầng đáy ở vùng cửa vịnh hoặc ngoài khơi. Chúng có thể di cư theo mùa vào các khu vực cồn, rạn san hô để sinh sản nhưng rất hiếm khi thấy xuất hiện ở sát bờ hoặc khu vực cửa sông.

Mặc dù, có một số loài thuộc giống Carcharhinus được xếp vào những loài tiềm tàng hoặc gây nguy hiểm trực tiếp cho con người, nhưng cho tới nay, có thể nhận định loài cá mập mắt lợn mà mạng xã hội đăng tải là an toàn với con người vì chưa có một công trình nghiên cứu nào trên thế giới thông báo về trường hợp loài này tấn công con người.

Do không có đủ dữ liệu về vị trí đánh bắt, mùa vụ xuất hiện, phạm vi phân bố của loài này cho nên chưa thể khẳng định được loài này có xuất hiện trong vịnh Hạ Long hay không.

B.C