Cần thu hẹp thời gian điều chỉnh giá xăng dầu để tránh “vô duyên”

22/04/2020 16:51 GMT+7
Hiện tại, giá dầu thế giới đang “lao dốc không phanh”, tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước vẫn không thay đổi do chờ kỳ điều chỉnh. Theo nhận định của giới chuyên môn, trong bối cảnh nhạy cảm như hiện tại, kỳ điều chỉnh quá dài sẽ nảy sinh nhiều bất cập.

Trong phiên giao dịch hôm nay (22/4, giờ Việt Nam), giá dầu WTI giao tháng 6 đang dưới ngưỡng 15 USD/thùng, giao tháng 5 về dưới 0 USD/thùng. Dầu Brent giao cùng thời điểm tháng 6 cũng lao dốc dưới 20 USD/thùng - mức giảm sâu nhất trong 18 năm qua. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước vẫn đứng yên do phải chờ chu kỳ điều chỉnh 15 ngày/lần.

Đánh giá về diễn biến của thị trường trong nước, nhiều chuyên gia tính toán, mức giảm của dầu có thể nhiều hơn 3.000 đồng/lít. Theo đó, với giá dầu hiện tại là khoảng 8.000 đồng/lít, chỉ có thể giảm xuống thấp nhất 5.000 đồng/lít. Nguyên nhân là do nhà quản lý sẽ không thể điều chỉnh giảm quá sâu hơn vì mối lo các công ty nhập khẩu xăng dầu phá sản.

Nhận định về điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ 15 ngày, các chuyên gia cũng cho rằng, điều này khiến giá trong nước chưa thực sự "thở" cùng nhịp với thế giới.

Cần thu hẹp thời gian điều chỉnh giá xăng dầu để tránh “vô duyên” - Ảnh 1.

Kỳ điều chỉnh dài khiến giá xăng dầu trong nước không "đồng điệu" với thế giới.

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, chính sách điều chỉnh giá xăng dầu theo kỳ hạn hiện tại của Việt Nam đang nảy sinh nhiều bất cập.

Cụ thể, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào 2 yếu tố: giá thế giới và chính sách tài chính của mỗi quốc gia (bao gồm thuế, phí, quỹ bình ổn…). Tuy nhiên, tại Việt Nam, có rất nhiều giai đoạn giá xăng dầu quốc tế "lao dốc" như hiện tại nhưng thị trường trong nước vẫn chưa giảm.

Có trường hợp giá dầu thế giới tăng nhưng tại Việt Nam lại giảm do chưa đến kỳ điều chỉnh. Theo đó, việc kỳ điều chỉnh nhưng tính trung bình giá xăng dầu trong 15 ngày lại không tăng hoặc giảm theo giá thế giới tại ngày điều chỉnh, dẫn đến tình trạng giá trong nước và quốc tế tăng giảm trái chiều, rất "vô duyên".

Trong giai đoạn nhạy cảm, giá xăng dầu biến động liên tục như hiện nay, ông Long nhận định, muốn phản ánh sát nhất thị trường thế giới, tốt nhất không nên điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ, hoặc chu kỳ điều chỉnh phải càng ngắn càng tốt.

"Trong bối cảnh thị trường xăng dầu cạnh tranh thật sự, giá cả do các doanh nghiệp tự cân đối theo hơi thở của thị trường thì sẽ không cần phải điều hành giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, vẫn có 1 vài doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh nên nhà nước bắt buộc phải định giá, quy định giá trần để tránh độc quyền nhóm đẩy giá xăng dầu lên cao.

Mặt khác, năng lực dự báo của chúng ta chưa thể đủ khả năng để tính toán tất cả chi phí cầu thành giá hàng ngày, không đủ năng lực điều hành giá theo ngày. Do đó, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước hiện nay giảm xuống khoảng 7 – 10 ngày là hợp lý nhất" PSG. TS Ngô Trí Long phân tích.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho hay, Việt Nam là nước nhập khẩu khá nhiều dầu thô để chế biến và nhập khẩu xăng dầu để sử dụng cho sản xuất và tiêu dùng. Do đó, việc giá dầu giảm sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Cụ thể, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế, việc giảm giá xăng dầu làm cho chi phí sản xuất giảm, giá thành sản phẩm giảm, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

"Khi giá xăng dầu giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng sẽ giảm. Thực tế, trong mấy tháng vừa qua, cùng với một số nguyên nhân khác, giá xăng dầu giảm là yếu tố quan trọng khiến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tháng 2, tháng 3 và tháng 4 giảm, giúp cho CPI bình quân của quý I và 4 tháng đầu năm 2020 giảm dần so với CPI bình quân của tháng 1 và 2 tháng đầu năm 2020.

Điều này giúp cho việc kiểm soát lạm phát của nền kinh tế có khả năng thấp hơn mục tiêu 4% của Quốc hội đặt ra. Cho nên, nền kinh tế sẽ có lợi trong kiểm soát CPI", ông Lâm thông tin thêm.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục