Nhiều bệnh nguy hiểm, dễ lây
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mùa xuân - mà tập trung ở 3 tháng đầu năm - thường là thời điểm thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát triển và lây lan nhanh chóng nếu người dân không được tiêm phòng bệnh. Nguyên nhân là do thời tiết ẩm ướt và sự gia tăng giao lưu đi lại trong dịp tết và mùa lễ hội là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
Cần chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng các bệnh đã có vắc xin. Ảnh: D.L
Các bệnh dễ phát sinh, dễ bùng phát trong mùa đông xuân là bệnh sởi, cúm, não mô cầu, thủy đậu, rubella, quai bị, tiêu chảy do rota virus, chân tay miệng và sốt xuất huyết (ở miền Nam).
Theo, PGS - TS Phu, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trong những tháng cuối năm 2018, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như MERS-CoV tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông, bệnh sởi xảy ra tại nhiều quốc gia khu vực châu Âu trong đó có một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi; các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ bùng phát tại một số quốc gia trong khu vực vào mùa xuân và xâm nhập vào nước ta.
“Tại Việt Nam, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có số mắc cao hoặc gia tăng cục bộ tại một số địa phương, bệnh cúm A(H5N6) trên gia cầm vẫn ghi nhận rải rác tại một số địa phương. Do đó, luôn có nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan vào các tháng đầu năm” – PGS - TS Phu nhận định.
Một trong những bệnh dễ lây lan vào mùa đông xuân là bệnh thủy đậu, bệnh dễ lan rộng trong môi trường tập thể. Theo các bác sĩ, trẻ em dễ mắc thủy đậu nhưng ít biến chứng, còn người lớn - đặc biệt là phụ nữ mang thai nếu mắc thủy đậu thì nguy cơ biến chứng và diễn biến nặng cao hơn.
Bác sĩ Lương Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội) nhận định, thủy đậu là bệnh cấp tính, dễ lây truyền từ người sang người này khác qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Dịch tiết ra từ người bệnh có thể lây gián tiếp cho người khác qua các đồ vật.
“Đây là bệnh lành tính nhưng có không ít biến chứng từ nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này” – bác sĩ Hiền nói.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) cho biết, cứ vào mùa đông xuân là các ca nhập viện do cúm lại tăng lên. Đặc biệt những người có sức đề kháng kém, mắc bệnh mãn tính, người già, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ dễ mắc hơn cả. Tuy cúm mùa thường có diễn biến nhẹ, chỉ khỏi sau 5 ngày đến 1 tuần nhưng không ít trường hợp bệnh nặng. Đó là do virus cúm làm suy giảm hệ miễn dịch, dẫn đến viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn. Một số khác virus lại tấn công trực tiếp gây viêm phổi với tổn thương lan toả rộng, diễn tiến suy hô hấp rât nhanh. Lại có trường hợp bị virus cúm tấn công gây viêm cơ tim gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hàng năm, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư đều tiếp nhận các ca cúm A/H1N1 hoặc cúm B trong tình trạng suy hô hấp, X.quang cho thấy phổi trắng xoá, phải điều trị thở máy, thậm chí tử vong. Người nhà các bệnh nhân này thường cho biết, bệnh nhân chỉ sụt sịt, sốt nhẹ, mệt mỏi nên chỉ nghĩ cảm cúm thông thường, không đi viện. Đến khi khó thở, sốt cao, hôn mê mới đưa đi cấp cứu.
Không lơ là phòng dịch
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng - chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) nhấn mạnh, nhiều bệnh trong mùa đông xuân có thể gây bệnh nặng, biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Các bệnh này có thể bùng phát thành dịch lớn nếu như cộng đồng có nhiều người chưa được tiêm phòng, miễn dịch kém như sởi, rubella, thủy đậu, cúm, ho gà…
Theo bác sĩ Đăng, ngay từ cuối năm 2018, Bộ Y tế đã có chỉ đạo yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, tập trung vào công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý các ổ dịch; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, huy động sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch.
Các địa phương cũng đẩy mạnh các hoạt động tiêm vaccine phòng bệnh, thực hiện tốt tiêm chủng mở rộng, tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi, rubella cho các đối tượng nguy cơ cao, trong quý III.2018 đã tổ chức chiến dịch tiêm sởi - rubella cho toàn bộ trẻ từ 1-5 tuổi tại 88 huyện của 19 tỉnh nguy cơ cao đạt tỷ lệ trên 96%, tiếp tục tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho khoảng 4,2 triệu trẻ từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố nguy cơ cao.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các trường hợp mắc bệnh, ổ dịch; đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh dưới nhiều hình thức…
Bác sĩ Đăng khuyến cáo, để phòng bệnh, cần thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở sạch sẽ, ăn chín, uống nước đã đun sôi, sử dụng nguồn nước sạch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín. Người dân nên lựa chọn các loại thực phẩm bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng; giữ ấm cơ thể. Cha mẹ nên đưa trẻ nhỏ đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.
Ngoài ra, người dân cần có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng đầy đủ, giữ ấm cơ thể và hạn chế tiếp xúc đông người để tăng hiệu quả phòng bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
PGS - TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:
Quai bị dễ gây biến chứng cho trẻ
Mùa xuân cũng làm gia tăng mắc bệnh quai bị. Nam giới mắc quai bị có nhiều nguy cơ viêm tinh dẫn tăng nguy cơ vô sinh, còn nữ giới thì bị viêm buồng trứng hoặc gây sảy thai, đẻ non.
Biểu hiện của bệnh thường là sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, sau đó sốt cao 39-40 độ C, các tuyến nước bọt sau mang tai bị sưng và đau. Bệnh lây qua đường hô hấp và hay gặp ở lứa tuổi học đường nên khi lớp học có ca bệnh thì dễ lây sang nhiều em khác.
Khi người nhà mắc quai bị thì nên cách ly (khoảng 10 ngày) để tránh lây sang người khác và đưa đi khám kịp thời, đặc biệt với các trường hợp khó nuốt, khó thở, đau tinh hoàn. Cách tốt nhất là cho trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư):
Không uống kháng sinh khi bị cúm
Sai lầm của nhiều bệnh nhân bị cúm là dùng thuốc kháng sinh khi thấy có dấu hiệu sốt, sổ mũi, ho nhẹ vì nghĩ rằng mình bị viêm đường hô hấp. Trong khi đó kháng sinh “vô dụng” với virus cúm, thậm chí còn khiến người bệnh chủ quan “đã uống thuốc” mà không đi viện.
Còn đối với virus cúm hiện nay có các thuốc kháng virus để “khoanh vùng” hạn chế khả năng phát triển của virus chứ cũng không có tác dụng diệt virus. Sau đó, người bệnh sẽ giảm các triệu chứng cúm và nhanh khỏi bệnh. Thuốc kháng virus chỉ có tác dụng với các trường hợp có các triệu chứng cúm sau 2-3 ngày.
Đối với các trường hợp bị viêm phổi nặng, gây thương tổn các tổ chức trong cơ thể thì thuốc kháng virus bị “vô hiệu”. Do đó, người bệnh nên đến viện càng sớm càng tốt khi thấy khó thở, sốt cao”.
D.L (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.