Cánh cửa vào các nước phương Tây hẹp lại, Huawei nhắm đến các thị trường mới nổi

19/08/2021 16:50 GMT+7
Huawei đang thúc đẩy thị phần tại các thị trường mới nổi khi cánh cửa ở các thị trường phương Tây dần khép lại sau lệnh trừng phạt và cấm vận thương mại của Mỹ.

Vào tháng 6 qua, Senegal đã mở một trung tâm dữ liệu trị giá 70 triệu euro (83 triệu USD). Truyền thông địa phương dẫn lời Tổng thống Macky Sall cho biết tại lễ khai trương rằng dữ liệu từ mỗi tỉnh của quốc gia Tây Phi sẽ được chuyển sang cơ sở này. Đáng chú ý, trung tâm dữ liệu của Senegal được xây dựng bằng tiền tài trợ từ Trung Quốc với hệ thống cơ sở hạ tầng do Huawei cung cấp.

Trong bối cảnh Mỹ gây áp lực buộc các đồng minh loại bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng lưới viễn thông 5G thế hệ mới do quan ngại an ninh quốc gia, Huawei đang tìm cách mở rộng thị phần các thị trường mới nổi ở châu Phi và Trung Đông. Tại những khu vực này, thiết bị viễn thông của Huawei chiếm ưu thế lớn do mức giá cạnh tranh, rẻ hơn khoảng 20-30% giá mà các đối thủ châu Âu như Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan cung cấp.

Cánh cửa vào các nước phương Tây hẹp lại, Huawei nhắm đến các thị trường mới nổi - Ảnh 1.

Cánh cửa thâm nhập thị trường phương Tây đóng lại, Huawei nhắm đến các thị trường mới nổi (Nikkei Asian Review)

Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, cung cấp các hệ thống viễn thông mạng và thông tin liên lạc tại nhiều quốc gia. Một trong những lĩnh vực trọng tâm mà gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy là smart city - thành phố thông minh. . Tính đến cuối năm 2020, Huawei được cho là đã tham gia vào các dự án thành phố thông minh tại hơn 700 thành phố ở 40 quốc gia trên toàn cầu. 

Chẳng hạn tại Dubai, Huawei tham gia vào dự án xây dựng mạng 5G và hệ thống đèn đường thông minh kết nối với camera an ninh và cảm biến nhiệt độ. Huawei cũng cung cấp hệ thống kết hợp các trạm gốc 4G và camera an ninh ở Kenya nhằm giúp chính quyền địa phương quản lý, phát hiện các hoạt động tội phạm. Ở rất nhiều quốc gia, chính phủ đang quan tâm đến các dự án thành phố thông minh để ngăn chặn tội phạm, mặc dù có nhiều mối quan ngại về việc đảm bảo quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân cho công dân. 

Huawei cũng được hưởng lợi từ  Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Mặc dù gã khổng lồ công nghệ khẳng định hoạt động kinh doanh hoàn toàn tách biệt với chính phủ, nhưng nhiều dự án thành phố thông minh mà Huawei giành được tại châu Phi và Trung Đông đều nằm trong sáng kiến này với nguồn tài trợ từ Bắc Kinh. 

Kể từ khi lọt vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ và bị cấm vận thương mại, hoạt động kinh doanh của Huawei đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính phủ Mỹ cũng gây áp lực, khiến một số quốc gia như Nhật Bản, Anh và Úc thẳng tay caams Huawei tham gia các dự án mạng 5G thế hệ mới. Pháp và Đức dù không trực tiếp cấm nhưng cũng áp đặt một số hạn chế ngăn cản Huawei tham gia thị trường 5G tại các nước này. Doanh số mảng thiết bị viễn thông của Huawei vẫn tăng mạnh trong năm 2020, nhưng tại các thị trường phương Tây, Huawei rõ ràng đang mất thị phần vào tay các đối thủ như Nokia hay Ericsson.

Hơn 1 thập kỷ trước, vào năm 2010, doanh số bán hàng tại thị trường quốc tế chiếm gần 70% tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của Huawei. Tuy nhiên, trong cùng kỳ năm 2020, con số này giảm mạnh xuống 34%. Hiện doanh số bán hàng tại thị trường nội địa chiếm đa số nguồn thu của Huawei. 

Nhà phân tích Tianfan Li tại công ty chứng khoán CSC International Holdings nhậnđịnh: "Thị trường Trung Quốc sẽ ngày càng chiếm phần lớn hơn trong doanh thu của Huawei” khi gã khổng lồ công nghệ tìm cách thúc đẩy thị phần nội địa để bù đắp doanh thu đã mất trên thị trường quốc tế.

Hôm 6/8, Huawei công bố báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 cho thấy doanh thu đạt 320,4 tỷ nhân dân tệ (49,6 tỷ USD). Con số này giảm gần 30% so với mức doanh thu 454 tỷ nhân dân tệ mà Huawei ghi nhận cùng kỳ năm 2020. Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei khẳng định trong một tuyên bố sau khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 rằng mục tiêu của Huawei là “tồn tại và tồn tại bền vững”. Ông này cho biết thêm: “Bất chấp sự sụt giảm doanh thu trong mảng kinh doanh tiêu dùng do các tác nhân bên ngoài gây ra, chúng tôi lạc quan rằng mảng kinh doanh viễn thông và doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định”.

“Đây là khoảng thời gian đầy thử thách và tất cả nhân viên của chúng tôi đã nỗ lực làm việc với quyết tâm cùng sức mạnh phi thường. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới từng người trong số họ vì những nỗ lực đáng kinh ngạc ấy” - Chủ tịch Huawei nhấn mạnh.

Vào tháng 5/2019, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Huawei cùng hàng loạt chi nhánh của nó trên toàn cầu vào danh sách đen kèm theo lệnh hạn chế thương mại. Điều này buộc các đối tác ở Mỹ ngừng cung cấp công nghệ và dịch vụ cho Huawei, qua đó chặn đứng chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng của hãng. Huawei sau đó đã buộc phải chuyển hướng sang các nhà cung cấp ngoài Mỹ để duy trì hoạt động kinh doanh. Nhưng chỉ ít lâu sau, Washington tiếp tục bịt các lỗ hổng trong lệnh hạn chế thương mại bằng một sắc lệnh tiếp theo buộc mọi nhà cung cấp nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn làm ăn với Huawei. Sắc lệnh này gần như chặn đứng hoàn toàn chuỗi cung ứng toàn cầu của Huawei.

Đến thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ tiếp tục duy trì chính sách mạnh tay với Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc bao gồm Huawei. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo từng cho biết không có lý do gì để loại bỏ các công ty Trung Quốc như Huawei ra khỏi danh sách đen thương mại. Chính Huawei cũng từng dự đoán rằng lệnh cấm vận của Mỹ sẽ là một "chiến dịch dài hạn".


NTTD
Cùng chuyên mục