Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2019, Bamboo Airways đã thực hiện tổng số 12.005 chuyến bay, trong đó có 11.270 chuyến bay đúng giờ, chiếm tỷ lệ 93,9%, cao hơn tỷ lệ chung của toàn ngành là 85,5%. Bamboo Airways là Hãng hàng không có tỷ lệ đúng giờ trung bình cao nhất toàn ngành hàng không Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019.
VASCO đứng vị trí thứ 2 với tỷ lệ OTP trung bình 9 tháng đầu năm 2019 là 93,1% sau khi khai thác 9.754 chuyến bay trong đó có 9.078 chuyến bay đúng giờ. Hai hãng hàng không lớn nhất là Vietnam Airlines và Vietjet Air với tỷ lệ OTP trung bình 9 tháng đầu năm 2019 lần lượt là 88,4% và 82,8%.
Các hãng hàng không tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm.
Riêng Jetstar Pacific có tỷ lệ OTP trung bình 9 tháng đầu năm 2019 đạt 80,1%, tương ứng 21.949 chuyến bay cất cánh đúng giờ trong tổng số 27.421 chuyến khai thác, thấp nhất trong ngành.
Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng chậm, huỷ chuyến chủ yếu là do thời tiết. Đặc biệt là khi khai thác mạng đường bay tới các cảng hàng không địa phương. Bên cạnh đó, tình trạng quá tải về hạ tầng, hạn chế về nguồn lực, cơ chế đầu tư trong phát triển kết cấu hạ tầng hàng không cũng được coi là nguyên nhân chủ quan chính gây chậm chuyến.
Ngoài những biến động về khai thác thị phần, tỷ lệ chậm huỷ chuyến bay, thì kết quả kinh doanh của các hãng hàng không cũng có nhiều thay đổi. Cụ thể, Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 9 tháng đầu năm 2019. Theo đó, hãng này đạt doanh thu hợp nhất hơn 76.705 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 3.291 tỷ đồng (đạt 97,9% kế hoạch cả năm). Công ty mẹ đạt hơn 57.474 tỷ đồng doanh thu và đạt hơn 2.742 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 52,84 % so sánh cùng kỳ về lợi nhuận).
Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO) hiện chiếm 51,7% thị phần vận chuyển hành khách nội địa. Trong 3 tháng đầu năm, hãng này đã tiếp nhận thêm 2 tàu Boeing 787-10 và 10 tàu A321 NEO và dự kiến nhận thêm 1 tàu Boeing 787-10 và 4 tàu A321 NEO trong nửa cuối năm.
Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 9 tháng đầu năm của hãng hàng không Vietjet Air đạt hơn 38.134 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.680 tỷ đồng.
Jetstar Pacific thoát lỗ sau nhiều năm kinh doanh "bết bát".
Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cũng có số lượng khách vận chuyển đạt trên 4,7 triệu lượt. Ghi nhận lợi nhuận sau 9 tháng đạt hơn 205,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng chi phí của hãng này đã giảm 13,8% so với kế hoạch. Đây là kết quả khả quan của Jetstar Pacific sau nhiều năm “chìm đắm” trong thua lỗ. Sau khi được tái cơ cấu, tập trung đầu tư đội bay mới, năm 2018 Jetstar Pacific bắt đầu báo lãi 34 tỷ đồng. Jetstar Pacific hiện có 2 cổ đông chính là Vietnam Airlines và Tập đoàn Hàng không quốc gia Úc – Qantas Group (Qantas Airways).
Ở một diễn biến khác, hãng hàng không Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết vẫn chưa tạo ra lợi nhuận và Tập đoàn FLC vẫn phải đang bù lỗ. Hãng hàng không Bamboo Airways cất cánh bay thương mại lần đầu tiên vào ngày 16/1 năm nay.
Hiện nay hãng đang khai thác 10 tàu bay nhưng đã được cấp lại Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không để tăng qui mô đội tàu bay lên 30 chiếc đến năm 2023, đồng thời ghi nhận tăng vốn điều lệ từ 700 lên 1.300 tỉ đồng. Tại ngày 30/4 năm nay, vốn chủ sở hữu của Bamboo Airways là 981 tỉ đồng; bao gồm vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng và lỗ lũy kế khoảng 318 tỉ đồng.
Dự kiến, sắp tới thị phần hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục bị chia nhỏ khi chuẩn bị có thêm các tân binh là hãng hàng không Vinpearl Air thuộc Tập đoàn Vingroup của Tỷ phủ Phạm Nhật Vượng. Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư 4.700 tỉ dồng, đặt căn cứ tại sân bay Nội Bài, dự kiến bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 7/2020 với đội máy bay gồm 6 chiếc. Đến năm 2025, đội bay của Vinpearl Air đạt 36 chiếc.
Ngoài ra, còn có các tân binh mới đang chờ ngày cất cánh là hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir) của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh, được thực hiện tại Cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, tương đương 43 triệu USD, trong đó 100% vốn góp của Thiên Minh.
Cùng với đó, là hãng hàng không Vietravel Airlines thuộc Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Vietravel Airlines dự kiến cất cánh vào cuối Quý II, đầu quý III/2020, với định hướng khai thác theo hình thức thuê bao nguyên chuyến (charter flight) phục vụ du lịch. Đồng thời cam kết không tạo áp lực lên tổng thể nguồn nhân lực ngành hàng không tại Việt Nam, với việc khai thác nhân lực từ nước ngoài.
Cục Hàng không Việt Nam thống kê hiện số lượng slot bay còn lại tại sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn trung bình 188 slot/ngày. Trong đó, chỉ còn 118 chuỗi slot cả mùa (slot cùng giờ cho tất cả ngày trong mùa lịch bay để các hãng hàng không xây dựng lịch bay thường lệ), bao gồm 30 slot ban ngày và 88 slot ban đêm.
Theo phương án xin thêm slot bay mà các hãng hàng không đề xuất, cần thêm tới 458 slot/ngày cho các hãng cả trong nước và quốc tế (446 slot/ngày cho các hãng hàng không trong nước, 12 slot/ngày cho các hãng nước ngoài). Cụ thể về lượng slot bay mà các hãng muốn tăng thêm trong lịch bay mùa đông 2019/2020, Vietnam Airlines muốn có thêm 140 slot/ngày, Vietjet Air là 180 slot/ngày, Jetstar Pacific là 100 slot/ngày và Bamboo Airways là 26 slot/ngày.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.