Cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Hơn 200 tỷ/km, đại biểu băn khoăn?

Huyền Anh Thứ năm, ngày 06/01/2022 19:06 PM (GMT+7)
Tại phiên thảo luận tại tổ chiều 6/1 kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về suất đầu tư bình quân của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Bình luận 0

Trình Quốc hội tại phiên họp ngày 4/1, Chính phủ đề xuất đầu tư thêm 729 km đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 với tổng mức khoảng 146.990 tỷ đồng. Bình quân suất đầu tư hơn 175 tỷ đồng/km, chưa gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước tính toán tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc là 130.604 tỷ đồng, giảm 16.330 tỷ đồng tổng vốn đầu tư so với dự kiến của Chính phủ, với suất đầu tư bình quân 152,9 tỷ đồng/km.

Còn theo tính toán của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và một số đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở tổ chiều 6/1 kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, suất đầu tư bình quân lên tới hơn 200 tỷ đồng/km.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Hơn 200 tỷ/km, đại biểu băn khoăn? - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ suất đầu tư dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông. (Ảnh: T.A)

Đầu tư hơn 200 tỷ/km đường dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, ĐBQH băn khoăn?

Đánh giá về vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết: Có sự lệch pha trong các con số về suất đầu tư bình quân (tính toán của Bộ Giao thông, tính toán của Kiểm toán Nhà nước và tính toán của các đại biểu).

Từ thực tế này, ông An đặt câu hỏi, suất đầu tư hiện đang được tính toán như thế nào? Bởi suất đầu tư lớn quá cũng là vấn đề hết sức quan tâm, vì vậy ông đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải phải xem xét rất kỹ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Cường (Đồng Nai) đặt vấn đề, suất đầu tư hơn 200 tỷ/km đường có vẻ "hơi cao".

"Nếu phần lập dự án không tốt, đưa vào hơn 200 tỷ mà cho cơ chế chỉ định thầu thì vẫn còn hời rất nhiều. Nên tính toán kỹ lưỡng, cần xem lại", đại biểu Cường nhấn mạnh.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Hơn 200 tỷ/km, đại biểu băn khoăn? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. (Ảnh: QH)

Trước câu hỏi suất đầu tư cao hay thấp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: Đây là mức khái toán, dự báo nhưng chưa lập dự án, thiết kế và chưa lên phương án đền bù,… do vậy con số về suất đầu tư chưa chính xác được.

"Mức đầu tư đường cao hay thấp hiện nay phụ thuộc cả vào nền đường. Vấn đề này chỉ là khái toán. Khi lập dự án, phê duyệt từng dự án Bộ Giao thông phải chịu trách nhiệm về mức độ chính xác của tổng mức đầu tư. Tổng dự toán bao giờ cũng phải nhỏ hơn tổng mức đầu tư. Theo lý thuyết, quyết toán phải nhỏ hơn dự toán", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói và cho rằng đại biểu Quốc hội không nên quá băn khoăn về vấn đề suất đầu tư của dự án này.

Luật về PPP đang "chết dần"

Cũng tại phiên thảo luận tại tổ, bày tỏ ý kiến đồng tình với việc chuyển đổi dự án từ PPP sang đầu tư công, tuy nhiên đại biểu Trịnh Xuân An lưu ý thêm: Các dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam phía Đông đều chuyển sang đầu tư công. Ngoài công trình này, kể cả các công trình lớn cũng đang xin chuyển sang đầu tư công. Ban đầu Luật về PPP đưa ra với mục đích rất cao cả nhưng đang "chết dần".

Cũng theo vị đại biểu này, chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều về nguồn vốn của tổ chức tín dụng, trong khi đó khả năng huy động vốn của doanh nghiệp qua trái phiếu có vấn đề nên chỉ trông đợi vào đầu tư công. Nếu không có cách để kêu gọi nguồn vốn, cứ mãi đi theo đầu tư công sẽ là không ổn – theo đại biểu Trịnh Xuân An.

Giải thích những băn khoăn này của đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, ban đầu, Chính phủ dự định triển khai 4 dự án thành phần làm BOT, cũng đã thống nhất khi Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện.

Tuy nhiên, thực tế, 4 dự án có tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng, chiếm 13% tổng mức đầu tư. Trong khi đó 87% đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Nếu đối chiếu với Luật đầu tư PPP thì không phù hợp, vì phải đảm bảo trên 50% vốn đầu tư dự án.

Thứ hai, theo quy chế hoạt động BOT, khoảng cách trạm 70km nên phương án thực hiện 4 dự án thành phần theo PPP cũng không thỏa mãn.

Do đó, 4 dự án này chuyển vào thành đầu tư công sẽ hiệu quả. Nhà nước sẽ chuyển nhường quyền thu phí hay nói cách khác sẽ đấu thầu để xây dựng các trạm thu phí. Bởi theo đề nghị ban đầu, sẽ đặt 4 trạm thu phí trong vòng 15 năm.

"Chúng tôi tính toán lại, nếu đặt trong vòng 15 năm thì 1 trạm 1 ngày chỉ thu khoảng 730 triệu đồng, như vậy sẽ không hiệu quả bằng đầu tư công", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Ông cũng phân tích thêm, nếu giao cho tư nhân đấu thầu quản lý, chỉ thu hồi lại vốn trong 5 - 7 năm.

Khi xây dựng dự án này đòi hỏi giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng phương án đặt trạm. Sau đó đấu thầu công khai để lấy nhà đầu tư nào hiệu quả nhất...

Về tiến độ thực hiện, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên) băn khoăn, theo tờ trình, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện, khởi công và thủ tục mất khoảng 3 năm; khi hoàn thiện cần 2 – 3 năm. Do đó sẽ không đáp ứng được yêu cầu cấp bách. Chưa kể đến những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh tác động tới nên Chính phủ cần xem xét điều chỉnh tiến độ của dự án để khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem