Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ vượt thẩm quyền Bộ GTVT

Thế Anh Thứ tư, ngày 21/08/2019 12:59 PM (GMT+7)
Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT từ năm 2015, nhưng dự án bị chậm tiến độ do có nhiều vướng mắc vượt quá thẩm quyền của Bộ GTVT.
Bình luận 0

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 7724/BGTVT-KHĐT trả lời những kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Trước đó, cử tri tỉnh Vĩnh Long kiến nghị cần quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, sớm hoàn thành đưa công trình vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, đề nghị sớm thi công hoàn thành đường lộ 907 để người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa được thuận lợi dễ dàng hơn.

img

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ vượt thẩm quyền Bộ GTVT.

Theo đó, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đẩy nhanh tiến độ Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, trong những năm qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ.

Trong đó, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực.

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện vẫn còn rất hạn chế, tạo thành những điểm nghẽn về giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ rà soát, đánh giá để xây dựng các Quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải, chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đang hoàn thiện Đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, sẽ đề xuất danh mục các công trình giao thông thực sự quan trọng, cấp bách cần ưu tiên đầu tư giai đoạn tiếp theo để trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở thực hiện.

Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong vùng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội các cơ chế, chính sách cũng như tập trung bố trí nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm của vùng, kết nối đồng bộ giao thông liên vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ và cả nước nói chung, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội góp phần củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực.

Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT từ năm 2015. Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ do có nhiều vướng mắc vượt quá thẩm quyền của Bộ GTVT (như vướng mắc về hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14, vướng mắc về lãi suất vay vốn tính toán theo quy định pháp luật thấp hơn nhiều so với lãi suất vay thực tế,...).

Bộ GTVT cho biết, trước những khó khăn của Dự án, Chính phủ đã có Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 06/10/2018, Thường trực Chính phủ đã họp và kết luận chỉ đạo tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngay 18/3/2019, giao UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục triển khai dự án để thuận tiện trong công tác GPMB, chuẩn bị nguồn vật liệu, chỉ đạo Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo thông tuyến năm 2020, đồng thời chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án.

Với giải pháp tháo gỡ vướng mắc của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 20/02/2019, dự án đã có những chuyển biến tích cực, Nhà đầu tư đã nỗ lực, tiếp tục triển khai đẩy nhanh tiến độ dự án.

Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang đã phối hợp để điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, làm việc với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về phần vốn Nhà nước, làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại về phần vốn vay.

Theo kế hoạch được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt tại Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 02/8/2019, sẽ đảm bảo cơ bản thông tuyến năm 2020 và hoàn thành đưa vào khai thác Quý II năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về đề nghị sớm thi công hoàn thành đường tỉnh 907, Bộ GTVT cho biết, theo phân cấp, hệ thống đường tỉnh thuộc trách nhiệm quản lý và đầu tư xây dựng của các địa phương. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Long xem xét và trả lời cho cử tri được rõ về tiến độ thi công tuyến đường tỉnh 907 nêu trên.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem