Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lại đứng trước nguy cơ lỡ hẹn

01/03/2020 07:48 GMT+7
Nguồn vốn tính dụng ngân hàng (chiếm hơn 50% tổng vốn dự án Cao tốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận) đang vướng mắc về thủ tục chưa giải quyết xong, nguy cơ dẫn đến nguồn vốn tín dụng có thể không giải ngân kịp.

Ngày 29/2, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, hạn định thông tuyến cuối năm 2020 và hoàn thành dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2021 theo kế hoạch đang đứng trước nguy cơ không thực hiện được.

Nguyên nhân bởi phía ngân hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang còn để vướng mắc về thủ tục chưa giải quyết xong, nguy cơ dẫn đến nguồn vốn tín dụng có thể không giải ngân kịp, hợp đồng tín dụng sẽ bị vô hiệu vì hết hạn vào ngày 16/3/2020. Nguồn vốn tính dụng ngân hàng chiếm hơn 50% tổng vốn.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lại đứng trước nguy cơ lỡ hẹn - Ảnh 1.

Vướng mắc về thủ tục chưa giải quyết xong, nguy cơ dẫn đến nguồn vốn tín dụng cho dự án có thể không giải ngân kịp,

Ông Trần Văn Thế - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, Ngân hàng chưa giải ngân vốn cho dự án là bởi Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là tỉnh Tiền Giang chưa làm rõ thẩm quyền ký kết các văn bản liên quan đến dự án mà ngân hàng cấp tín dụng yêu cầu.

“Theo điều khoản trong hợp đồng tín dụng đến16/3/2020, nếu vốn vay tín dụng không được giải ngân thì hợp đồng sẽ hết hiệu lực.

Phía ngân hàng đầu mối là Viettinbank đã phối hợp với doanh nghiệp dự án rà soát cơ bản đảm bảo hoàn thành các điều kiện để giải ngân và Vietinbank đã gửi văn bản đề nghị tỉnh Tiền Giang làm rõ các vướng mắc giữa Ngân hàng và tỉnh Tiền Giang”, ông Thế cho biết.

Theo ông Thế, hiện nay tỉnh Tiền Giang đang gửi văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp về vấn đề này. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vấn đề này phải mất rất nhiều thời gian.

Việc thu xếp vốn tín dụng ngay từ đầu đã rất khó khăn, doanh nghiệp dự án phải mất hơn 6 tháng để đàm phán và ký kết hợp đồng tín dụng. Theo điều khoản của hợp đồng tín dụng thì nếu trong vòng 3 tháng kể từ khi hợp đồng được ký kết mà không giải ngân được vốn tín dụng thì hợp đồng sẽ hết hiệu lực.

Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận, còn 410 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án vẫn đang vướng mắc về thủ tục chưa được giải ngân.

“Đến nay, chỉ còn hơn 2 tuần nữa hết hạn, nếu nguồn vốn tín dụng không được giải ngân trong thời gian hợp đồng có hiệu lực thì tiến độ của dự án chắc chắn sẽ chậm và đây là trách nhiệm chung của các đơn vị có liên quan trong đó có tỉnh Tiền Giang. Chúng tôi hy vọng rằng các bên không để nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đơn độc trong vấn đề thu xếp nguồn vốn” ông Thế chia sẻ.

Mới đây, ngày 27/02/2020, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Tiền Giang, Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước, Doanh nghiệp dự án.

Theo đó, Ngân hàng đầu mối thông báo, các tổ chức tín dụng đã phối hợp với Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận rà soát cơ bản đảm bảo hoàn thành các điều kiện giải ngân theo Hợp đồng tín dụng và dự kiến giải ngân vốn vay trước ngày 05/03/2020.

Vietinbank với tư các Ngân hàng đầu mối đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang làm rõ các vấn đề còn vướng mắc, để đảm bảo nguồn vốn tín dụng của dự án giải ngân theo kế hoạch, góp phần đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo VTCNews
Cùng chuyên mục