Trao đổi với PV sáng 28/8, BS Nguyễn Thành – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, số ca cấp cứu trong buổi tối qua khi các cổ động viên đổ ra đường ăn mừng chiến thắng 1-0 của U23 Việt Nam trước U23 Syria có tăng chút ít so với ngày thường.
“Hôm qua, có 83 chuyến cấp cứu trong khi ngày thường khoảng 80 chuyến”, BS Thành thông tin.
Cổ động viên xem bóng đá cần hạn chế uống rượu bia vì có thể dẫn đến tai nạn khi ra đường cổ vũ.
Theo BS Thành, tuy số ca cấp cứu không tăng đột biến nhưng có nhiều ca bị chấn thương gãy xương vùng mặt hàm, gãy xương chậu….
Lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết, để đảm bảo an toàn cho các cổ động viên của U23 Việt Nam, Trung tâm huy động tối đa lực lượng, túc trực tại các tuyến đường trung tâm, phối hợp cùng các lực lượng khác để đảm bảo cấp cứu trên toàn tuyến.
BS Thành cũng lưu ý, các cổ động viên khi xem bóng đá cần hạn chế uống rượu bia vì có thể dẫn đến tai nạn sau đó khi ra đường ăn mừng.
"Khi xem bóng đá mà uống rượu bia không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn có thể gây ra những tác động xấu cho xã hội, khi nồng độ cồn vượt mức cho phép, người ta có thể không kềm chế được hành vi dẫn đến những nguy cơ xung đột, đánh nhau, hoặc gây tai nạn", BS Thành cảnh báo.
Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cũng đưa ra khuyến cáo với người hâm mộ khi xem trận bán kết giữa U23 Việt Nam và U23 Hàn Quốc sẽ diễn ra vào ngày 29/8. Theo đó, để niềm vui trọn vẹn, mọi người hãy uống vừa phải, đủ vui, không phóng nhanh vượt ẩu, đội mũ bảo hiểm khi di chuyển trên xe máy.
BS Thành gửi lời chúc tới các cổ động viên và đội tuyển U23 Việt Nam: "Hãy là cổ động viên thông minh. Chúc đội tuyển U23 Việt Nam chiến thắng".
Cách sơ cứu người bị tai nạn giao thông
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai, không phải tất cả trường hợp nạn nhân bị tai nạn giao thông đều nhanh chóng được đưa tới bệnh viện. Do đó, mọi người cần biết cách xử lý một số chấn thương thường gặp khi sơ cứu cho nạn nhân bị TNGT.
Vết thương chảy máu
- Làm garo cầm máu bằng cách quấn thật chặt ở vị trí trên vết thương 3-5 cm. Có thể dùng vải sạch làm garo nếu không có sẵn dụng cụ y tế, kiểm tra độ chặt của garo thường xuyên. Trong trường hợp vết thương có dị vật, không nên rút dị vật ra vì có thể làm cho máu chảy ra nhiều hơn dẫn đến mất máu.
- Đối với vết thương chảy máu không có dị vật, dùng gạc hoặc vải sạch ép trực tiếp lên vết thương và giữ chặt để cầm máu rồi băng lại.
- Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.
Gãy xương
-Trong một số trường gãy xương hở đầu, xương có thể đâm thủng da, chân tay gãy rời, lủng lẳng.Việc đầu tiên cần làm là cố định tạm thời bộ phận bị gãy.
- Dùng các loại nẹp tự tạo từ gỗ, tre để cố định vùng xương gãy. Nếu gãy xương ở gần các khớp, phải cố định cả khớp.
-Riêng gãy xương hở, không được rửa mà chỉ lau xung quanh vết thương, bôi thuốc sát trùng và băng ép vô khuẩn.
- Không ấn đầu xương gãy vào trong.
- Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Đặc biệt chú ý với những người bị tai nạn dẫn đến gãy đốt sống cổ. Không nên tự ý di chuyển nạn nhân. Nếu tự ý di chuyển nạn nhân không đúng cách dễ dẫn đến nguy cơ bị liệt toàn thân hoặc tử vong.
Chấn thương sọ não
- Nếu thấy nạn nhân chấn thương vỡ sọ, co giật thì nên đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí.
- Nếu nạn nhân ngưng tim, ngưng thở, nên ưu tiên hô hấp nhân tạo, xoa bóp lồng ngực ở vùng tim và gọi cấp cứu đến nhanh nhất có thể.
|
Các chuyên gia y tế cảnh báo, mọi người có thể đối mặt với cơn đau tim do những cảm xúc phấn khích, hồi hộp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.