“Cấp dưới tham nhũng, cấp trên có trách nhiệm”

Lương Kết (thực hiện) Thứ sáu, ngày 13/06/2014 07:14 AM (GMT+7)
Cùng hưởng ứng Diễn đàn Tuyên chiến với tham nhũng, lãng phí của Báo NTNN, đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, đã lý giải vì sao tham nhũng vặt khó bị triệt tiêu tận gốc. 
Bình luận 0

Thưa ông, dù chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng (PCTN) nhưng tại sao tình hình tham nhũng vẫn phức tạp, đặc biệt là tham nhũng vặt?

img
Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội

 

- Tham nhũng vặt vẫn diễn ra hàng ngày, liên quan đến hoạt động của các cơ quan công quyền. Từ những giao dịch bình thường để giải quyết vụ việc cụ thể nếu có tham nhũng là tham nhũng nhỏ. Loại này diễn ra không phải là ít. Tại sao loại tham nhũng vặt khó phát hiện và xử lý vì có thể do người hối lộ chủ động đưa người có cương vị vào thế như vậy, còn người có cương vị do lòng tham, hoặc có những hạn chế khó khăn về kinh tế.

Hai bên có nhu cầu, anh đưa hối lộ cũng có nhu cầu, với khoản "bôi trơn" nhỏ thường người dân chủ động. Sau khi đưa tiền anh được việc thì cũng chẳng bao giờ lại đi tố cáo người nhận. Cũng có trường hợp mất tiền nhưng không được việc nhưng họ cũng chỉ nói ở chỗ này, chỗ kia nhưng chẳng đi tố cáo, bởi cũng chẳng có bằng chứng, việc giao nhận tiền chỉ có hai người với nhau.

Với không ít vụ án gây thất thoát của Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, ví dụ như vụ Vinashin nhưng đối tượng vi phạm lại không bị truy tố về hành vi tham nhũng thưa ông?

- Đối với tham nhũng quy mô lớn, liên quan đến các dự án đầu tư, chúng ta cũng đã phát hiện được một số vụ việc nhưng chưa nhiều. Việc phát hiện ra những vụ việc gây thất thoát tài sản lớn của Nhà nước nhưng tìm yếu tố chứng minh được tham nhũng của các cá nhân liên quan là khó, thường các đối tượng chỉ bị truy tố tội cố ý làm trái hay thiếu trách nhiệm.

Bởi tại sao, nếu anh đưa hối lộ mà nói ra thì anh cũng là người có tội, người đưa - người trung gian - người nhận đều là phạm tội mà trong tham nhũng điển hình nhiều nhất là tội nhận hối lộ. Chính vì thế, thường cơ quan tố tụng chỉ quy các đối tượng về tội cố ý làm trái, hay thiếu trách nhiệm gây hậu quả trước việc sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước.

Việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan mình theo ông có tích cực?

- Việc quy trách nhiệm người đứng đầu cũng có cái đúng, cái hay, cái tốt nhưng cũng có hạn chế. Chẳng hạn một ông lãnh đạo bản thân tốt, hoàn toàn không có tham nhũng gì nhưng có cán bộ thuộc cấp dưới của ông ta tham nhũng, thì ông cũng phải chịu trách nhiệm.

Chính vì thế làm sao ông ấy chủ động, tích cực kiểm soát, thậm chí ông ấy biết còn bày cách cho cấp dưới trốn trách nhiệm trước pháp luật để giảm trách nhiệm cho ông ta. Vì thế, cũng cần phải tính lại quy định trên để khuyến khích thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan chủ động phát hiện ra tham nhũng ở cơ quan thì anh không bị trách nhiệm mà còn được khen thưởng. Phải có quy định rõ mới có tác dụng tích cực.

Xin cảm ơn ông


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Chỉ Thanh tra Chính phủ  sẽ không đủ
Trong đấu tranh PCTN phải có sự phối hợp của nhiều lực lượng chứ một mình TTCP là không đủ. Có sự phối hợp mới có thể giải quyết chặt chẽ việc PCTN cả trong và sau quá trình thanh tra. Bên cạnh sự phối hợp với lực lượng nội bộ phải có phối hợp giữa các cấp cùng với tinh thần đấu tranh PCTN của toàn dân, sự hỗ trợ đắc lực của các lực lượng thông tin tuyên truyền.

Bên cạnh đó, vai trò của MTTQ trong quá trình giám sát thực hiện từ trên xuống dưới cũng rất quan trọng. Tóm lại, Tổng TTCP phải là người cầm đũa chỉ huy dàn nhạc này, giúp Chính phủ, Quốc hội chỉ huy cuộc chiến chống giặc nội xâm. Các kết luận của TTCP phải đảm bảo chính xác, công minh, tiếp đó phải kiến nghị, đòi hỏi các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh. Xử lý xong phải có phúc tra.
H.P (ghi)
                                                                                                                         Ông Trần Văn Độ - Phó Chánh án TAND Tối cao: Chưa xử lý nhanh thông tin

Nói về vấn đề tham nhũng thì đó là một nguy cơ. Trong 2 năm qua, Đảng và Nhà nước ta cũng có những bước xử lý nghiêm khắc, như một bước khởi đầu cho một tinh thần quyết tâm. Thế nhưng cũng phải nhìn nhận nghiêm túc, những vụ án tham nhũng lớn phát hiện chưa được nhiều, bên cạnh đó là những thông tin về tham nhũng chưa được xử lý nhanh.

Tất nhiên án tham nhũng rất khó điều tra, bởi nó phức tạp, liên quan đến người có chức vụ nên cần thận trọng. Có thể thấy rõ điều này qua vụ án “bầu” Kiên và đồng phạm, hồ sơ vụ án được bày kín cả một bàn của HĐXX. Để đấu tranh PCTN tốt phải sử dụng mọi cách, mọi nguồn lực, mọi phương pháp, trước hết là để phát hiện. Sau đó phải xử lý kiên quyết và nhanh chóng đừng vì lý do này, lý do kia không làm tới nơi tới chốn làm mất lòng tin của nhân dân.

Ngọc Lương (ghi)

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem