Cấp tập “ra quân” phòng chống bệnh lây nhiễm

Lê Mai Thứ hai, ngày 15/10/2018 06:16 AM (GMT+7)
Cuối tuần qua, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, ngành y tế và chính quyền địa phương đã có các hoạt động nhằm truyền thông phòng chống các bệnh lây nhiễm đang diễn biến phức tạp như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi…
Bình luận 0

Người dân coi nhẹ việc phòng bệnh

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và làm việc với Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) về công tác điều trị các bệnh lây nhiễm.

img

Phun thuốc phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội sáng 13.10. Ảnh: L.M

Bộ trưởng nhận định, qua báo cáo, số ca mắc, nhập viện và số ca tử vong tại các BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng thành phố, BV Bệnh Nhiệt đới năm nay thấp hơn năm ngoái ít nhất là 20%. “Tuy nhiên, đến tháng 9.2018, số ca bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết (SXH) đột nhiên cùng tăng vọt. Nguyên nhân có thể là do đỉnh dịch, thời tiết thay đổi thất thường hoặc do người dân lo lắng trước những thông tin như “dịch chồng dịch”, “chủng virut biến đổi bất thường”… nên con sốt, phát ban, sổ mũi là đưa ngay con vào BV, kể cả dưới tỉnh”- Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, việc lọc bệnh nhân cần được thực hiện ngoài khoa khám bệnh. Nếu để bệnh nhi ngồi chung một dãy khám, các cháu ho ngồi chung với sởi, bệnh nhi bị sởi nằm cạnh các cháu suy tim thì sẽ có nguy cơ nhiễm chéo, bội nhiễm.

Cũng theo bà Tiến, hiện người dân đang coi nhẹ việc phòng ngừa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh lây nhiễm. Bà Tiến cho rằng, người dân phải thường xuyên kiểm tra khu vực mình sinh sống, lật đổ các vật chứa nước, thả cá vào bể nước… để phòng ngừa muỗi sinh sôi và phải nằm ngủ màn chống muỗi đốt. Đối với trẻ em, phải chích ngừa sởi đầy đủ, vệ sinh đồ chơi, sàn nhà thường xuyên để phòng bệnh.

Nguy cơ bùng phát bệnh

Trong ngày 12.10, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM tổ chức lễ “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và SXH năm 2018” tại Quận Thủ Đức. Chiến dịch bao gồm các hoạt động: Thực hành vệ sinh khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ, bao gồm: Rửa tay bằng xà phòng, lau rửa đồ chơi, dụng cụ của trẻ, lau rửa sàn nhà các trường mầm non…; thực hành các biện pháp loại trừ lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống bệnh SXH và kiểm tra các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng ở hộ gia đình.

Ngày13.10, Bộ Y tế cũng phối hợp với UBND TP.Hà Nội cũng tổ chức “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018” tại Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện đang là thời gian cao điểm dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh. Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ngoài nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào nước ta, thì các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi và SXH luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cục bộ.

Trước diễn biến và nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Bộ Y tế đã chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và SXH nhằm huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, từng gia đình và toàn xã hội chủ động tham gia và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng sởi, SXH không để bùng phát dịch bệnh. Đồng thời, tạo phong trào sâu rộng đến cộng đồng nhằm huy động sự tham gia của người dân trong công tác phòng, chống các dịch bệnh trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem