Cặp vợ chồng dành hơn 30 năm thanh xuân làm cha mẹ của hơn 600 đứa trẻ lang thang, bụi đời

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 03/11/2021 06:10 AM (GMT+7)
Từng là một đứa trẻ sống bụi đời, bế tắc, ông Vũ Tiến ( năm nay 80 tuổi, Hà Nội) đã vượt qua khó khăn, nghiệt ngã của số phận để vươn lên. Hơn 30 năm qua, ông đã đi khắp nơi "nhặt" những trẻ em lang thang nuôi dạy nên người.
Bình luận 0

Hành trình hơn 30 năm chăm những đứa trẻ lang thang, bụi đời

Hà Nội những ngày này trời mưa rả rích, ông Vũ Tiến (80 tuổi) cùng vợ ngồi vọng trên ghế trước cửa nhà có tên "Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ" ở góc phố Ngô Văn Sở, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ông ngồi uống cốc trà, còn vợ ông, bà Vũ Thị Ngọc Oanh (77 tuổi) lật dở từng trang báo đọc. Lâu rồi cả hai mới có phút thong thả, thảnh thơi tuổi già.

Cặp vợ chồng dành hơn 30 năm thanh xuân làm cha mẹ của hơn 600 đứa trẻ lang thang, bụi đời

Vợ chồng ông Tiến bên những tấm ảnh lưu niệm tại gia đình trẻ em mồ côi "Xa mẹ". Ảnh: Gia Khiêm

Với nhiều người Hà Nội, vợ chồng ông Tiến không mấy xa lạ. Trưởng thành từ một đứa trẻ bụi đời nên hơn 30 năm qua, ông Vũ Tiến đã đi "nhặt" những trẻ lang thang cơ nhỡ về nuôi dạy trưởng thành. Trong số đó, không ít đứa trẻ ở "Tổ bán báo Xa Mẹ" ngày nào giờ trở thành những người thành đạt, vượt qua số phận. Có người không muốn nhớ lại những ký ức khổ cực trước đây.

Cặp vợ chồng dành hơn 30 năm thanh xuân làm cha mẹ của hơn 600 đứa trẻ lang thang, bụi đời - Ảnh 2.

Những đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ ở Tổ bán báo Xa mẹ tại số 13 Ngô Văn Sở, Hoàn Kiếm, Hà Nội, năm 1991. Ảnh tư liệu

Ở tuổi bát thập, giọng nói ông Tiến vẫn rành mạch, sang sảng, đầy khí chất. Ông từng có thâm niên hơn 20 năm là cán bộ trại giam. Gặp chúng tôi, ông ngần ngại cho biết "bao nhiêu người viết về cuộc đời tôi rồi. Tự nhiên tôi trở thành bình phong kẻ khen, người chê". Thậm chí từng mang tiếng là bóc lột sức lao động của trẻ. Sau một hồi lưỡng lự, ông mời chúng tôi lên nhà rồi hồi ức kể về cuộc đời mình, về những điều mình đã làm suốt bấy nhiêu năm qua.

Cặp vợ chồng dành hơn 30 năm thanh xuân làm cha mẹ của hơn 600 đứa trẻ lang thang, bụi đời - Ảnh 3.

Hơn 30 năm qua, vợ chồng ông Tiến đã giúp đỡ hơn 600 đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ. Ảnh: Gia Khiêm

Tầng 1 của ngôi nhà vẫn là quán bán cơm, nghề chính để ông bà nuôi những đứa trẻ suốt bao năm qua. Tầng 2 là nơi sinh sống của 7 đứa trẻ, nhỏ nhất 14 tuổi, lớn nhất chuẩn bị lên lớp 12 với đầy đủ tiện nghi và chia phòng riêng cho bé trai, bé gái. Đặc biệt, tại phòng học của các em được trang bị một chiếc đàn piano cùng nhiều đạo cụ. Ông bảo "nuôi hết lớp trẻ này khi nào chúng nó ra trường, có công ăn việc làm tự lo được cho cuộc sống của mình vợ chồng tôi sẽ nghỉ hẳn".

Những đứa trẻ vợ chồng ông Tiến nhận nuôi đều được đến trường. Đặc biệt, vợ chồng ông còn dạy chúng biết múa hát, khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Ít ai nhận ra chúng là những đứa trẻ mồ côi, từng nhem nhuốc và đói khổ.

Cặp vợ chồng dành hơn 30 năm thanh xuân làm cha mẹ của hơn 600 đứa trẻ lang thang, bụi đời - Ảnh 4.

Ông cho biết đã giúp đỡ trẻ mồ côi, lang thang biết đọc, biết viết rồi tìm kiếm được nghề nghiệp nuôi sống mình, gia đình. Ảnh: Gia Khiêm

Ông Tiến cho biết, đã nuôi dạy khoảng 600 đứa trẻ trong hơn 30 năm qua. Thời gian đầu là những trẻ lang thang cơ nhỡ, sống vất vưởng ở gầm cầu, vỉa hè Hà Nội. Ông đã giúp chúng biết đọc, biết viết rồi tìm kiếm được nghề nghiệp nuôi sống mình, gia đình, trở thành những công dân lương thiện.

"Vợ chồng tôi còn dựng vợ gả chồng cho các cháu. Tôi dạy học đến khi các cháu lớn đi học nghề có công ăn việc làm. Có cháu mới ra trường, vợ chồng tôi vẫn nuôi và xem như con mình, có như vậy các cháu mới trưởng thành được", bà Oanh chia sẻ.

Cặp vợ chồng dành hơn 30 năm thanh xuân làm cha mẹ của hơn 600 đứa trẻ lang thang, bụi đời - Ảnh 5.

Anh Vũ Long Biên và “bố” Tiến lúc anh mới được “nhặt” về nuôi. Ảnh: NVCC

Chỉ vào tấm ảnh chụp chung với bé trai dán kín trên tường, ông Tiến kể trường hợp một bé lang thang ở chợ Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) khi mới khoảng 3 tuổi. Khi đó, ông ra khu chợ Long Biên mở lớp học xóa mù chữ cho các cháu nhỏ, bà Oanh là người dạy. Trong quá trình mở lớp, ông bảo vệ chợ nói có một cháu bé mẹ đi tù, không có bố, cứ đi lang thang, ai cho gì ăn nấy, có lúc ra cả thùng rác bới thức ăn. Ông đưa cậu bé về lấy họ của mình đặt tên là Vũ Long Biên.

Sau đó, chuyện của ông Tiến được đưa lên truyền hình, mẹ của Biên đã xem và nhận ra con mình. Khi mẹ Biên ra tù, ông Tiến có ý định tìm việc làm cho người phụ nữ này để được ở gần con nhưng chị từ chối để về quê ở Thanh Hóa chăm mẹ già.

Cặp vợ chồng dành hơn 30 năm thanh xuân làm cha mẹ của hơn 600 đứa trẻ lang thang, bụi đời - Ảnh 6.

Những đứa trẻ nơi "Mái ấm xa mẹ" trong vòng tay bà Oanh, ông Tiến. Ảnh: NVCC

"Sau đó, cô ấy mất, khi Biên khoảng 8 - 9 tuổi. Tôi đã nuôi Biên suốt 17 năm, cho đến khi nó tốt nghiệp trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Biên sau tìm được bố đẻ của mình đến cám ơn tôi. Biên làm lại giấy khai sinh là Nguyễn Tiến Đạt. Giờ cháu nó đã 26 tuổi, ra trường đi làm trong lĩnh vực du lịch nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tạm chuyển sang làm lái xe", ông Tiến kể.

Từng là đứa trẻ lang thang vươn lên giúp những đứa trẻ bất hạnh khác

Ông Tiến tự nhận từng giấu vợ con chuyện mình là đứa trẻ bụi đời. Bởi nhiều năm sống cảnh khổ cực. Bằng ý chí, nghị lực ông đã tự vươn lên rồi học tập nên người, trở thành người có ích. Vào năm 1990, khi ông có ý định đưa những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ về nuôi dưỡng thì vợ con mới biết.

Cặp vợ chồng dành hơn 30 năm thanh xuân làm cha mẹ của hơn 600 đứa trẻ lang thang, bụi đời - Ảnh 7.

Ông Tiến kể, ông từng là đứa trẻ bụi đời, được giúp đỡ nhiều lần nên bao năm qua ông luôn dang tay giúp những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn tốt đẹp hơn, vượt qua số phận. Ảnh: Gia Khiêm

"Hồi đó, tôi thấy các cháu nhỏ lang thang không người thân ở khu Ga Hà Nội tội quá muốn đưa chúng về chăm sóc, nuôi dưỡng. Vợ tôi ban đầu chỉ đồng ý cho các cháu về ăn sau ra ga ở vì nuôi người rất phức tạp. Bà ấy bảo 'sao ông thích thế' tôi mới dám nói ra sự thật.

Tôi nói nếu cho chúng ăn chỉ cứu khỏi chết đói nhưng để cho phát triển, có gia đình yên ấm thì phải nuôi dạy, học văn hoá, trang bị kiến thức nghề nghiệp. Nghe xong câu chuyện của tôi bà ấy không những không giận vì tôi giấu quá khứ khổ cực của mình mà thấy thương tôi. Sau vợ tôi gật đầu đồng ý. Và bà ấy đã dạy cho đám trẻ tốt, tâm lý hơn tôi", ông Tiến nhớ lại.

Trong thâm tâm mình, ông Tiến mong muốn các bậc cha mẹ nói riêng và người lớn nói nói chung đừng bao giờ sỉ nhục con cái, trẻ nhỏ, xem chúng như đồ bỏ đi. Không đứa trẻ nào trở thành kẻ xấu, quan trọng bố mẹ, gia đình phát hiện ra chấn chỉnh. Không được coi thường, loại con mình ra khỏi xã hội.

Cặp vợ chồng dành hơn 30 năm thanh xuân làm cha mẹ của hơn 600 đứa trẻ lang thang, bụi đời - Ảnh 8.

Kể lại chuyện xưa, ông không khỏi xúc động. Ảnh: Gia Khiêm

"Trong số những đứa trẻ tôi chăm sóc, nuôi dạy suốt hơn 30 năm thì quá nửa số đó là những đứa cá biệt, bị gia đình nhà trường đẩy ra ngoài xã hội. Rất may, tôi gặp chúng giúp các cháu trở thành người lương thiện, có văn hoá, có gia đình. Nếu không, tôi cũng không biết chúng sẽ ra sao", ông Tiến bày tỏ.

Việc ông giúp những đứa trẻ bởi ông tâm niệm bản thân mình từng "thừa sống thiếu chết, thập tử nhất sinh" được người đời cưu mang, giúp đỡ nên muốn làm lại điều gì đó tốt đẹp cho cuộc đời này.

Ông Tiến vốn sống trong gia đình khá giả. Tuy nhiên, đến năm lên 7 tuổi thì bố mất, mẹ ông khi ấy rất thương con nhưng thương theo kiểu "cho roi, cho vọt", sỉ nhục. cứ nghĩ như thế là tốt cho con. Thế nhưng, sau những trận đòn đó khiến cậu bé Tiến khi ấy trở nên ngang bướng. Bị nhà trường đuổi học, ông bỏ học đi chơi rồi, lấy quần áo bán ăn quà. Ông bị mẹ báo ra công an xin cho đi cải tạo 2 năm.

Cặp vợ chồng dành hơn 30 năm thanh xuân làm cha mẹ của hơn 600 đứa trẻ lang thang, bụi đời - Ảnh 9.

Ông bà tham gia nhiều cuộc mai mối, dựng vợ, gả chồng cho những người "con" của mình. Ảnh: Gia Khiêm

"Tôi ngồi ở đồn công an, ông đồn trưởng xuống gặp mẹ tôi nói 'tôi không thể chấp nhận đơn của chị vì chị nhớ rằng cho đi 2 năm về con hư hơn, chị còn mất con. Hiện đứa trẻ nghịch ngợm, trộm của chị ít tiền ăn quà chứ chưa phải ăn cắp. Việc của chị là việc gia đình, đừng biến cháu trở thành việc của xã hội. Còn khi cháu có tội không cần chị tôi vẫn bắt. Cháu chưa ngoan phải giáo dục, tìm cách giáo dục, chấn chỉnh'.

Sau hôm đó trở về nhà, vì giận những trận roi hà khắc của mẹ, tôi ra Ga Hà Nội đi theo một người di cư Lào Cai, Yên Bái lên làm thuê. Tôi phiêu bạt 5 năm trời, sống trong cảnh quần áo mong manh, ngủ đầu đường xó chợ", ông Tiến hồi ức lại. Ông Tiến nhớ khi đó 15 tuổi, rửa bát thuê cho hàng cơm tại chợ Cốc Lếu (Lào Cai) đã lên cơn sốt rét. Chủ quán khi đó sợ người làm thuê bệnh nặng chết trong nhà liền đắp cho cái chiếu rồi khiêng để ông ra góc chợ.

Cặp vợ chồng dành hơn 30 năm thanh xuân làm cha mẹ của hơn 600 đứa trẻ lang thang, bụi đời - Ảnh 10.

Hình ảnh những đứa trẻ sinh hoạt tại mái ấm xa mẹ những ngày đầu. Ảnh: NVCC

"Ngày hôm sau, tôi cố gắng gượng dậy, chống gậy 2km lên bệnh viện tiêm. Cô y tá khi đó hỏi tôi ăn gì chưa? Tôi lắc đầu. Cô ấy bảo chưa tiêm vội. Lúc sau, y tá ấy bê ra cho bát cháo nói ăn đi. Thời đó có gia đình cưu mang tôi. Có gia đình ở Yên Bái nuôi tôi mấy tháng. Nếu không có những người tốt giúp đỡ, có lẽ tôi đã chết", ông Tiến xúc động nhớ lại.

"Đời tôi không mong một ngày được báo đáp, chỉ mong sao những đứa trẻ được vợ chồng tôi nuôi dưỡng trưởng thành, nên người"

Sau 40 năm, ông Tiến có dịp quay trở lại những nơi gian khó mình đã trải qua, ông gặp lại gia đình đã từng cưu mang, giúp đỡ mình. Thấy hoàn cảnh gia đình này nghèo khó ông đã nhận lời giúp đỡ, đưa 10 người con cháu trong gia đình họ về Hà Nội cưu mang, giúp đỡ có nghề nghiệp, nên người.

Cặp vợ chồng dành hơn 30 năm thanh xuân làm cha mẹ của hơn 600 đứa trẻ lang thang, bụi đời - Ảnh 11.

Hình ảnh nhóm gia đình trẻ em "xa mẹ" tham gia hoạt động hành trình 30 năm nhân ái năm 2018. Ảnh: NVCC

Cho đến bây giờ, vợ chồng ông Tiến không thể nhớ nổi từng đứa trẻ mà mình đã cưu mang, giúp đỡ. Có nhiều người hiện đã thành đạt, có chuỗi cửa hàng, bất động sản, có người đã trở thành những đầu bếp chuyên nghiệp ở nhà hàng lớn, có người đã tốt nghiệp thạc sĩ và có việc làm ổn định, thường xuyên quay về với gia đình bà để cùng với bà giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn...

Ông bảo: "Đời tôi không mong một ngày được báo đáp, chỉ mong sao những đứa trẻ được vợ chồng tôi nuôi dưỡng trưởng thành, nên người, sống có ích cho xã hội". Ngôi nhà chung của những đứa trẻ nơi "Gia đình trẻ em mồ côi Xa Mẹ" ấy năm nào cũng dành thời gian vài ngày nghỉ cùng nhau đi du lịch, kêu gọi giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn.

Cặp vợ chồng dành hơn 30 năm thanh xuân làm cha mẹ của hơn 600 đứa trẻ lang thang, bụi đời - Ảnh 12.

Gia đình "xa mẹ" của ông Tiến đi du lịch năm 2019. Ảnh: NVCC

Theo ông Tiến, bên cạnh đó, có một số người vì ái ngại khi phải nhớ lại cảnh mình từng là đứa trẻ lang thang, bụi đời mà không quay lại đây nữa. Với ông nơi đây là cả ký ức, là nơi vợ chồng ông bà dành một quãng đời thanh xuân giúp đỡ những phận người cơ cực.

Năm 2019, bà Vũ Thị Ngọc Oanh được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt". Được ông Tiến nhận nuôi đến nay đã 8 năm, em Nguyễn Văn Hùng (14 tuổi, quê Khoái Châu, Hưng Yên) kể, mẹ mất sớm khi em mới 2 tuổi, bố phải đi bệnh viện tâm thần.

"Em ở đây được ông bà cho đi học. Tết ông bà cho tiền, quà Tết, tiền xe về thăm bố và gia đình. Ngoài việc đến trường em không phải làm gì, chỉ học thêm kỹ năng sống, làm việc nhà. Ông bà luôn dạy con người phải có lòng nhân ái, biết chia sẻ, lòng dũng cảm, biết kiềm chế, dám phản biện, sống có trách nhiệm…", Hùng kể.

Một cặp vợ chồng cùng được cưu mang tại "tổ bán báo xa mẹ" là anh Nguyễn Minh Phú và chị Lê Thị Thanh giờ đã là ông bà chủ của một hệ thống cửa hàng bánh ngọt lớn ở Hà Nội. Anh Phú, chị Thanh cho biết, đã coi hai cụ như những người bố, người mẹ thứ hai sinh ra mình.

Thời kỳ sau khi lấy nhau, cuộc sống khó khăn vợ chị Thanh được ông bà để cho chỗ bán nước, anh Phú vẫn đi bán báo kiếm kế sinh nhai. Sau cả hai học tập mở cửa hàng bánh ngọt Pháp tại Hà Nội. "Ông bà là người tuyệt vời. Hiện chúng tôi cũng noi gương ông bà, thường đi làm thiện nguyện để chia sẻ khó khăn với người nghèo", anh Phú chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem