dd/mm/yyyy

Cất bằng cử nhân, chàng trai Thái Nguyên làm chè sạch ướp hương sen

Tốt nghiệp cử nhân ngành chính trị học của một học viện tại Hà Nội, Lê Sơn Hải cũng làm hồ sơ đi xin việc như nhiều bạn bè khác. Sau tất cả, Hải cảm thấy không phù hợp với công việc nào. Từ đây, chàng trai trẻ đã quyết định trở về quê nhà gây dựng sự nghiệp từ đồi chè và đầm sen của gia đình...

"Viết tiếp giấc mơ dang dở của bố"

Chúng tôi đến thăm gia đình của Hải tại xã Quyết Thắng (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Những ngày nay, Hải cùng mẹ thường thức dậy từ sớm để ướp chè trực tiếp trên những bông hoa sen vừa mới hé nụ. "Thời gian buổi sáng sớm, hoa sen sẽ có nhiều hương nhất ở trong ngày" - Hải giải thích.

Theo Hải chia sẻ, chè được ướp trực tiếp vào bông sen tại đầm sẽ có độ "tinh tế" hơn, quyện cả sương đêm lẫn mùi hương của hoa sen. "Sau khi cho chè vào bông sen, sẽ phải buộc thật chặt để ủ. Nếu không buộc kín, sương sẽ vào nhiều khiến chè bị ẩm. Sau đó, ủ trong bông sen khoảng 48 giờ sẽ được hái" - Hải nói.

Người trẻ nâng tầm chè Tân Cương - Ảnh 1.

Chè sen được Hải ướp tại nhà. Ảnh: M.N

"Thời gian tới, tôi dự kiến sẽ liên kết với các gia đình có truyền thống làm trà tại địa phương để thành lập HTX trồng chè hữu cơ. Để tạo ra những sản phẩm trà chất lượng, cũng như giúp cho những nông dân tìm hướng đúng cho sản phẩm trà thì cần phải có sự liên kết, hợp tác tìm hướng đi, nâng tầm chất lượng sản phẩm".

Anh Lê Sơn Hải

Bà Phạm Thị Vân (mẹ của Hải) nhớ lại khoảng thời gian đầu khi cậu con trai đưa ra quyết định trở về quê lập nghiệp với cây chè: "Ban đầu cô cũng không đồng ý cho Hải theo nghiệp này. Bởi công việc làm chè rất vất vả. Cô không muốn con mình phải theo nghề này nữa".

Năm đó, Hải được mẹ cho 20 triệu đồng để mua xe máy đi làm trên Hà Nội. Nhưng cảm thấy công việc quá gò bó, không phù hợp, Hải đã quyết định xin nghỉ việc. Khoản tiền mẹ cho để mua xe máy, Hải đã đầu tư mua giống sen để trồng.

Khi còn sống, bố của Hải luôn mong muốn xây dựng một thương hiệu chè hữu cơ. Để thực hiện được mong ước còn dang dở của bố, Hải đã quyết định "trở về nhà". 

"Tại sao mình cứ phải đuổi theo những thứ không thuộc về mình, mà không phát triển cái mình đã có và vốn có. Mình sinh ra trong một vùng chè quá nổi tiếng rồi, mình có thể làm một điều gì đó với hy vọng đem lại giá trị cho quê hương" - Hải thổ lộ.

Người trẻ nâng tầm chè Tân Cương - Ảnh 3.

Cất tấm bằng cử nhân, Lê Sơn Hải về quê bắt tay vào làm chè sạch ướp hương sen. Ảnh: M.N

Chè sen thường có giá 8 - 9 triệu đồng/kg. Mỗi tháng, Hải bán ra khoảng 30kg chè các loại. Sau khi trừ mọi chi phí, Hải có thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Để có 20 triệu đồng ấy, thực sự Hải đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và tâm huyết.

Hải kể, thời còn học đại học, cậu hay ghé hồ Tây chơi, thấy người dân quanh đó thường hay ướp chè sen - thứ thức uống mang đậm hương vị Việt Nam. Hải đã nảy ra suy nghĩ, chè đặc sản Tân Cương nếu kết hợp cùng sen hồ Tây sẽ cho ra hương vị thơm ngon, tinh túy nhất.

Hải cho biết, đối với chè để ướp sen phải lựa chọn những dòng chè được chăm sóc hữu cơ sinh thái hoàn toàn, chưa được lên hương. Chè được tuyển chọn ngay từ khi chăm bón, thu hái và sao... Ngoài ướp trực tiếp tại đầm sen, Hải cũng thường xuyên hái sen mang về ướp chè tại nhà. Hoa sen dùng để ướp được hái lúc sương sớm, khi trời vẫn còn mờ tối và hoa sen vừa chớm nở. Những bông hoa sen giống Tây Hồ bách diệp sau khi hái về sẽ được tách từng lớp cánh hoa, lấy nhụy và tách gạo sen - chính là túi hương của hoa sen...

Một cách khác để ướp chè sen là cách truyền thống, yêu cầu cực kỳ tỉ mỉ và công phu, được mệnh danh là tầng cao nhất của trà sen, yêu cầu người làm chè phải thực sự yêu và có tâm. Người nghệ nhân sẽ phải dùng tay tách nhẹ nhàng những cánh hoa sen cho đến khi nhìn thấy đài hoa và nhị hoa màu vàng, chỉ tách hoa đủ lớn để có chỗ đổ chè vào.

Trung bình mỗi bông sen cần khoảng 15 - 20 gam chè khô, rồi nhẹ nhàng vuốt lại những cánh hoa về hình dáng ban đầu. Lá sen được cắt thành miếng lớn đủ vừa để bọc bông hoa lại.

Người trẻ nâng tầm chè Tân Cương - Ảnh 5.

Cách thức ướp chè sen ngay tại đầm rất tỉ mỉ và chỉn chu. Ảnh: M.N

Kết nối sản xuất chè chất lượng

Sinh ra và lớn lên ở vùng chè Tân Cương, Hải được quan sát, nhìn mọi người làm chè. Cây chè có giá trị kinh tế rất cao mà người ta còn ưu ái gọi là "vàng xanh". Tuy nhiên, nếu sản xuất chè theo phương pháp thông thường thì giá trị cũng chỉ ở mức bình thường. Để tìm ra một hướng đi mới, Hải đã quyết định hướng đến sản xuất chè hữu cơ.

Để làm chè hữu cơ, Hải áp dụng bón cho cây chè bằng đỗ tương - một nguồn đạm thực vật dễ hấp thu, lại hiệu quả cao và góp phần nuôi dưỡng nguồn đất. Nếu bón cây bằng phân hoá học, tỷ lệ rửa trôi, bào mòn đất rất cao. Bên cạnh đó, hỗn hợp rượu - tỏi - gừng - ớt được sử dụng để phòng ngừa sâu bọ.

Hải chia sẻ, có thể nói không có dòng chè nào làm kỳ công bằng chè sen. Để ướp được 1kg chè sen loại ngon thì cần dùng tới hơn 1.500 bông sen. Cứ mỗi lớp chè sẽ được rải một lớp gạo sen, sau đó sao trên chảo gang đun bằng củi. Đến khi chè khô, lại sàng hết gạo sen và ướp lại. 

Trà ướp gạo sen cho hương sen thoang thoảng, không phải mùi thơm nồng hay thơm sâu nên để cánh chè thấm đượm hương sen. Công đoạn ướp gạo sen cứ lặp đi lặp lại 7 lần và trải qua hơn 21 ngày mới xong một mẻ...

Hiện nay, Hải bán hai loại chè chính là chè mộc và chè ướp hương. Chè mộc có 3 loại: Chè móc câu và chè tôm có giá 500.000 đồng/kg; chè đinh (hay còn gọi là trà Tiến Vua) có giá từ 2 - 3 triệu đồng/kg vì kỹ thuật hái khó, chỉ sử dụng những lá non nhất trên đỉnh cây chè. Chè ướp hương có hai loại: Chè nhài và chè sen. Chè nhài có giá từ 500.000 - 700.000 đồng/kg. Chè sen có giá từ 8 - 9 triệu đồng/kg. 

Minh Ngọc