Câu hỏi nhỏ cho Bộ trưởng Giáo dục

Thứ tư, ngày 04/09/2013 07:03 AM (GMT+7)
Khi tiếng trống khai giảng chưa kịp vang lên, các bậc cha mẹ học sinh đã cảm thấy lạnh gáy khi “bóng ma” lạm thu, ngay trong buổi họp phụ huynh đầu năm đã tái xuất hiện dưới danh nghĩa “xã hội hóa giáo dục”.
Bình luận 0
Và “như truyền thống”, các khoản thu vẫn là để mua sắm máy chiếu, quạt mát, tủ sách, điều hòa hay tivi, đầu máy, đồng phục… dưới danh nghĩa tự nguyện. Một thứ tự nguyện mà người tự nguyện phải nghiến răng chứ không chỉ là cắn răng nữa.

Trong câu chuyện lạm thu, đáng chú ý nhất là chi tiết mà một vị hiệu trưởng đã “ngỡ ngàng” cho rằng: Vận động phụ huynh giúp nhà trường giống như xã hội hóa giáo dục, nhưng do cách thực hiện không “khéo” nên gây hiểu nhầm cho phụ huynh.

Thế nào là “xã hội hóa giáo dục”? Thế nào là “khéo”? Phải chăng xã hội hóa giáo dục là “âm thầm đóng góp”, là chiếc áo đạo đức của tình trạng lạm thu? Còn “khéo”, nói như GS Nguyễn Minh Thuyết, “giống người đưa hối lộ biết là sai nhưng không dám hé miệng. Người nhận hối lộ thì càng không dại gì nói ra”!

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII vào tháng 11.2011, Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận đã từng hứa về việc xem xét tình trạng lạm thu, học thêm tràn lan tại các cơ sở giáo dục. Nhưng cũng sau lời hứa chấn chỉnh của Bộ trưởng, việc lạm thu biến tướng dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục và sự miễn cưỡng gật đầu trong các buổi họp phụ huynh với sự có mặt của cô giáo chủ nhiệm, chính là sự khẳng định lạm thu chưa bao giờ chấm dứt. Bởi ngay sau lời hứa, ngay trong năm 2012, lạm thu dưới danh nghĩa “mô hình lớp học tương tác” ở ngay thủ đô với số tiền đầu tư, từ túi cha mẹ học sinh, dưới danh nghĩa tự nguyện, cho mỗi lớp học này lên tới hàng trăm triệu đồng...

Phải nói một cách công bằng, sau khi hứa trước Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã rất quyết tâm dẹp loạn khi ban hành thông tư quy định về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và về tài trợ cho các cơ sở giáo dục, rằng phải thu chi công khai, dân chủ, không được định ra mức kinh phí ủng hộ bình quân…

Nhưng đó vẫn chỉ là những quyết tâm trên giấy mà thôi. Hoàn toàn không có chút thép gang nào trong chuyện xử lý. Ai thu cứ thu. Đâu lạm cứ lạm...

Năm nay, câu hỏi lớn nhất mà cả các bậc cha mẹ, cả các thầy cô giáo, và cả học sinh muốn được Bộ trưởng trả lời, là bao giờ thì câu hỏi này sẽ không phải đặt ra trước ngày khai giảng năm học mới.

Đào Tuấn (Đào Tuấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem