Cây mơ vàng Bắc Kạn lên ngôi

14/12/2020 17:51 GMT+7
Trước năm 2015, cây mơ vàng bị người trồng bỏ bê do không có đầu ra. Nhưng hiện nay đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao của tỉnh Bắc Kạn.

Trước năm 2015, cây mơ vàng bị người trồng bỏ bê do không có đầu ra. Nhưng hiện nay đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao của tỉnh Bắc Kạn.

Cây mơ vàng Bắc Kạn lên ngôi - Ảnh 1.

Chế biến mơ vàng. Ảnh: Toán Nguyễn.

 Mơ vàng xuất ngoại  

Trước đây, cây mơ vàng được trồng với quy mô lớn tại một số xã như Xuất Hóa (nay là phường Xuất Hóa, TP Bắc Kạn), Cao Kỳ và Hòa Mục (huyện Chợ Mới), Đôn Phong (huyện Bạch Thông) và nhiều khu vực khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Trước năm 2015, người dân từng phải chặt bỏ hàng loạt để chuyển sang trồng các loại cây khác, chủ yếu cây lâm nghiệp. Lý do là thời điểm đó, quả mơ giá rẻ chỉ 1.000 – 2.000 đ/kg còn khó bán. Người trồng thu không bù được công đầu tư chăm sóc.

Tuy nhiên từ năm 2017 trở lại đây, nhu cầu thị trường tiêu thụ quả mơ vàng tăng cao, giá cả ổn định, đem lại thu nhập cao cho người trồng. Từ đó cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp thu mua và chế biến sản phẩm mơ quy mô lớn. Việc hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm không chỉ giải quyết đầu ra ổn định cho quả mơ, còn góp phần tăng sức sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân.

Ví dụ như, HTX Đoàn Kết (tại xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới) không chỉ tiêu thụ toàn bộ sản phẩm mơ của 17 hộ thành viên, còn liên kết với 200 hộ dân của huyện Chợ Mới để thu mua sản phẩm và mở rộng diện tích cây mơ.

Cây mơ vàng Bắc Kạn lên ngôi - Ảnh 2.

Chế biến mơ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của công ty TNHH Việt Nam Misaki. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhất là từ năm 2018, nhà máy chế biến mơ do công ty TNHH Việt Nam Misaki (Nhật Bản) đầu tư đi vào hoạt động, với năng lực chế biến đạt 5.000 tấn/năm, sau đó xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản. Đến nay, doanh nghiệp này đã thu mua được khoảng 2.000 tấn mơ nguyên liệu tại địa bàn Bắc Kạn. Do chỉ đáp ứng được một phần công suất, nên công ty phải thu mua thêm nguyên liệu ở nhiều tỉnh khác về.

Giá trị quả mơ của người dân Bắc Kạn ngày càng được nâng cao, giá bán hiện tại đạt bình quân 15.000 đồng/kg. Có thu nhập khá, người dân đã chủ động triển khai các biện pháp cải tạo vườn mơ theo đúng kĩ thuật, năng suất, chất lượng quả mơ được nâng lên.

Cây mơ vàng Bắc Kạn lên ngôi - Ảnh 3.

Với giá trung bình 15.000 đ/kg đã đem lại thu nhập khá cho người trồng mơ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xây dựng thương hiệu mơ vàng Bắc Kạn

Mơ vàng đã được tỉnh Bắc Kạn chọn là một trong những ngành hàng chủ lực của địa phương. Hướng đi là kết hợp giữa doanh nghiệp, nhà khoa học, người nông dân và chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Các cơ quan chuyên môn và địa phương vào cuộc tiến hành rà soát, đánh tiềm năng, khảo sát đất đai phù hợp để phát triển cây mơ, phân vùng trồng, thâm canh tăng năng suất. Xây dựng quy mô đảm bảo cho công tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm đáp ứng theo yêu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Cây mơ vàng Bắc Kạn lên ngôi - Ảnh 4.

Quả mơ vàng được Bắc Kạn xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Ảnh: Toán Nguyễn.

Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 638 ha trồng cây mơ vàng, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 248 ha, năng suất trung bình 57 tạ/ha, sản lượng 1.413 tấn/năm. Cây mơ được trồng hầu hết tại các huyện, thành phố trong đó tập trung chủ yếu tại các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn và thành phố Bắc Kạn. Tuy nhiên, phần lớn diện tích cây mơ đang cho thu hoạch được trồng cách đây 20 - 25 năm và có thời kỳ không được chăm sóc thường xuyên, cây bị già cỗi.

Để cải tạo vườn mơ, từ năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Nông lâm nghiệp Thành Tây triển khai Dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ trong tuyển chọn cây ưu tú và phát triển cây mơ vàng tại tỉnh Bắc Kạn". Cây mơ sau khi được áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật như cắt tỉa, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… đã sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với tự nhiên, năng suất tăng khoảng 1,5 lần.

Hiện tỉnh Bắc Kạn cũng đã lên kế hoạch xây dựng vùng trồng mơ ổn định tại các xã Cao Kỳ, Thanh Mai, Thanh Vận của huyện Chợ Mới; Đôn Phong, Dương Phong, Mỹ Thanh của huyện Bạch Thông; cùng một số xã tại huyện Chợ Đồn và TP Bắc Kạn… Phấn đấu giai đoạn từ 2021 – 2025 tổng diện tích đạt 1.000 ha, năng suất khoảng 80 tạ/ha, 100% quả mơ sẽ được thu mua và sơ chế tại địa phương.

Theo Toán Nguyễn
Cùng chuyên mục