Cây tỷ đô nguy cơ mất vị thế số 1 dù nhu cầu tăng, giá tăng

Đình Thắng Thứ năm, ngày 05/10/2017 13:48 PM (GMT+7)
Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, sản xuất hạt điều trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu thị trường và đang có dấu hiệu giảm sản lượng, hiệu quả sản xuất thấp... Trong khi đó giá điều nguyên liệu nhập khẩu ngày càng tăng do nhu cầu chế biến tăng, điều này khiến cho giá trị kinh tế của ngành điều sụt giảm rõ rệt.
Bình luận 0

Nghịch lý từ thị trường

Sau hơn 3 thập kỷ phát triển ngành điều, Việt Nam đã trở thành nước có kim ngạch xuất khẩu (XK) điều nhân số 1, chế biến đứng thứ 2 và giữ vị trí thứ 3 thế giới về năng suất và sản lượng điều. Năm 2016, ngành điều Việt Nam XK 347.000 tấn, đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD, chế biến trên 50% sản lượng điều của thế giới. Ngành điều đem lại giá trị kinh tế lớn và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu nông dân và công nhân.

img

Ngành điều đang đứng trước nhiều đòi hỏi về đổi mới giống, tái canh, chế biến sâu... Ảnh: Nông dân Bình Phước thu hoạch điều. Ảnh: T.L

"Chế biến sâu nếu không làm thì chúng ta sẽ thua. Làm sao 5-10 năm tới kim ngạch xuất khẩu điều đạt 5 tỷ USD? Chỉ cần giữ nguyên sản lượng, tập trung đầu tư chế biến sâu, tăng xuất khẩu là đạt được mục tiêu đề ra”.

Ông Nguyễn Đức Thanh - 
Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam

Đánh giá về ngành điều, ông Lê Văn Liền – chuyên gia phân tích thị trường cho biết: “Hiện nay nguồn cung điều thô tăng 3,5%/năm song không thể đáp ứng nguồn cầu (tăng 6%/năm) do mất mùa, hạn hán, biến đổi khí hậu. Giá điều thô tăng cao do thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Ngành điều thế giới đang đối diện với rủi ro mất mùa gây tổn thất cho cả chuỗi giá trị, cũng như làm giảm khả năng cạnh tranh của hạt điều so với các loại hạt khác”.

Từ bức tranh cung cầu của ngành điều, ông Liền nhận định, ngành điều thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với tình trạng cầu vượt cung, dẫn đến giá điều tăng trong vài năm gần đây. Giá điều thô tăng làm giá điều thành phẩm tăng, khiến người tiêu dùng chuyển dần sang sử dụng các sản phẩm thay thế khác. Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ những biến động tiêu cực của thị trường.

Sản xuất điều trong nước đang đối diện với nghịch lý, trong khi ngành điều mang lại giá trị kinh tế cao xấp xỉ 3 tỷ USD/năm, nhưng nguồn lực đầu tư cho ngành điều lại chưa tương xứng, khiến ngành điều chưa phát huy hết tiềm năng và đang đối diện với muôn vàn khó khăn: Sản lượng giảm, hiệu quả sản xuất thấp, thu nhập từ điều không cao, giá trị gia tăng thấp, nhiều diện tích điều bị thoái hóa hoặc bị chuyển đổi sang cây trồng khác.

Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Diện tích điều có xu hướng giảm, năm 2005 có trên 400.000ha, hiện nay chỉ còn khoảng 300.000ha, bên cạnh đó diện tích trồng mới cũng có xu hướng giảm. Diện tích điều già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất thấp chiếm khoảng 80.000ha ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Ngành điều chưa đầu tư thâm canh phù hợp, sản xuất điều phân tán, trình độ thâm canh chưa cao, công tác chọn giống chưa phù hợp, hệ thống tươi tiêu còn nhiều hạn chế”.

Cũng theo ông Sơn, một trong những yếu tố tác động lớn đến cây điều là do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, mưa trái mùa cùng với sự xuất hiện của sâu bệnh làm giảm năng suất.

img

Nông dân Bình Phước thu nhặt hạt điều. Ảnh: N.V

Cần đẩy mạnh tái canh, chế biến sâu

Lo lắng ngành điều sẽ sụt giảm trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: “Thế giới đang cạnh tranh mạnh mẽ về hàng hóa nói chung. Cây điều được dự báo nhu cầu sẽ tăng 6%, nhưng cung sẽ không đáp ứng ứng được (chỉ 3-3,5%), điều này rất vô lý. Việt Nam đang chế biến trên 50% sản lượng điều thô thế giới. Vậy nhưng mỗi năm diện tích trồng điều trong nước đang thu hẹp, sản lượng thấp dần, chỉ tự đáp ứng được trên 30% nguyên liệu”.

Bộ trưởng Cường đặt câu hỏi: Phải chăng cây điều, ngành điều không còn hấp dẫn, hay tự chúng ta làm cho hạt điều không còn hấp dẫn. Vì vậy nếu không có sự vào cuộc của chính phủ, doanh nghiệp, người nông dân, ngành điều sẽ đi xuống...

Nhiều chuyên gia cho rằng năng suất điều có thể tăng được 30-40% nếu áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ trong canh tác tiên tiến, đây là một trong những giải pháp đột phá để phát triển ngành điều. Ông Lê Văn Liền cho hay: “Nguồn cung điều thế giới tăng trưởng chậm là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta xây dựng được vùng nguyên liệu điều cho năng suất cao và ổn định, từ đó chủ động điều tiết giá và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu điều xuất khẩu. Ngành điều Việt Nam đang sở hữu nhiều giống điều cho năng suất cao, năng suất cây điều có thể lên tới 2,5-3 tấn/ha”.

Bên cạnh nâng cao chất lượng giống, ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng tái canh, trồng mới là biện pháp quan trọng nhằm đổi mới vườn điều, trẻ hóa vườn cây, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệ quả kinh tế. Mặt khác tái canh góp phần hạn chế thiệt hại do mưa trái mùa, ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Giáo sư-Viện sĩ Trần Đình Long – thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Pan cũng nhấn mạnh: “Ngành điều hiện tại chưa được quan tâm đầu tư một cách có hệ thống mà đang phát triển manh mún, rời rạc, thiếu sự hợp tác liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà dẫn đến các hoạt động sản xuất chưa thực sự đạt hiệu quả. Tập đoàn Pan sẽ hình thành viện nghiên cứu giống điều, tự làm giống. Viện nghiên cứu này sẽ giải quyết vấn đề giống điều để tạo ra các giống cho chất lượng, năng suất cao”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem