Vùng chuyên canh hẹ tập trung lớn nhất ở các xã Tham Đôn và Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, nơi đồng bào Khmer chiếm gần 90% dân số của tỉnh Sóc Trăng. Ông Huỳnh Thanh Bằng - Phó Chủ tịch UBND xã Tham Đôn cho biết: “Toàn xã có khoảng 170ha đất trồng hẹ. Trên 70% hộ Khmer trong xã trồng hẹ, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững”.
|
Được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, đồng bào Khmer xen thêm cây màu trên đất trồng hẹ giúp tăng thêm thu nhập. |
Anh Thạch Nhi ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn lập gia đình cách nay 7 năm. Được cha mẹ chia 2,5 công đất (2.500m2) sản xuất vợ chồng anh dành trồng hẹ. Thu nhập từ cây hẹ giúp anh trả hết nợ, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, xây nhà kiên cố. Theo anh, hiện nay chi phí đầu tư ban đầu cho 1 công hẹ khoảng 5 triệu đồng, gồm tiền mua cây giống và thuê nhân công lao động. Sau 3 tháng chăm bón, hẹ bắt đầu cho thu hoạch. Cây hẹ chỉ trồng một lần nhưng lại thu hoạch kéo dài đến 3 năm. Trừ các chi phí, mỗi công hẹ có thể cho thu nhập 50 – 70 triệu đồng/năm.
Tại xã Đại Tâm, nơi có trên 100ha đất trồng hẹ, ông Lâm Sơn Hiển - Chủ tịch UBND xã tự hào: “Nhờ chuyên canh rau màu, chủ lực là cây hẹ, nhiều hộ Khmer có điều kiện kinh tế lo cho con cái học hành”.
Ở 2 xã Tham Đôn và Đại Tâm, cây hẹ còn được đồng bào Khmer tận dụng đất trống quanh nhà, dọc các con đường để trồng. Nhiều cơ sở, đại lý thu gom mỗi ngày 3 - 4 tấn hẹ, đưa lên Cần Thơ và TP.HCM tiêu thụ. Cây rau hẹ đã giúp đồng bào Khmer nơi đây từng bước xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Hiếu Bình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.