CEO Masan MeatLife chỉ ra cơ hội ở thị trường thịt heo có giá trị 10 tỷ USD

02/12/2019 15:57 GMT+7
Với thị trường thịt heo hiện có giá trị hơn 10 tỷ USD, nhưng tới 99% sản phẩm không có thương hiệu, CEO Masan MeatLife Phạm Trung Lâm cho rằng, đây là thời cơ rất lớn doanh nghiệp để mở rộng quy mô, nhanh chóng chiếm lĩnh mảng thị phần vô cùng tiềm năng.
CEO Masan MeatLife chỉ ra cơ hội ở thị trường thịt heo có giá trị 10 tỷ USD - Ảnh 1.

Ông Phạm Trung Lâm, Tổng giám đốc Masan MeatLife.

Chiều 2/12, Công ty CP Masan MeatLife (Mã cổ phiếu: MML) – một công ty thành viên của Tập đoàn Masan đã tổ chức hội thảo giới thiệu tiền năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu MML trước khi cổ phiếu này chính thức được giao dịch trên UpCom trong tháng 12 này.

Theo đó, Việt Nam hiện là nước có lượng tiêu thụ thịt lợn cao thứ hai thế giới. Thị trường này vẫn còn tiếp tục phát triển với tỷ lệ tăng trưởng của tiềm năng của sản lượng thịt lợn là 20% trong giai đoạn 2019 – 2025.

Thịt lợn đồng thời cũng là mảng lớn nhất trong ngành F&B với giá trị thị trường hơn 10 tỷ USD. Song đây cũng là mảng thị trường chưa được chuẩn hoá, còn rời rạc với phần lớn sản phẩm thịt lợn trên thị trường chưa có thương hiệu.

Từ những cơ sở nêu trên, lãnh đạo Masan MeatLife tin rằng đây là cơ hội bứt phá, mở rộng quy mô. Đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu thay đổi cán cân thị trường thịt lợn trong tương lai gần.

Trao đổi với báo chí và nhà đầu tư, ông Phạm Trung Lâm – Tổng giám đốc Masan MeatLife, nhận định: "Thị trường thịt lợn của chúng ta hiện nay rất giống với thị trường sữa cách đây 20 năm, khi cùng tồn tại những nghịch lý lớn là không có tiêu chuẩn, hầu hết sản phẩm không có thương hiệu, không có người dẫn đầu thay đổi thị trường. Trong vòng 20 năm, thị trường sữa đã tăng trưởng gần 4 lần, một doanh nghiệp nội địa vươn lên chiếm hơn 50% thị phần.

Còn thị trường thịt hiện nay có giá trị hơn 10 tỷ USD, lớn gấp 2,5 lần thị trường sữa, nhưng tới 99% sản phẩm không có thương hiệu. Chúng tôi nhận định đây là thời cơ rất lớn để mở rộng quy mô, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn chất lượng cao, giá cả hợp lý, đồng thời đón đầu xu hướng tiêu dùng để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần vô cùng tiềm năng".

Cũng theo ông Lâm, nằm trong chiến lược chuyển đổi sang mô hình FMCG có độ tăng trưởng nhanh, Masan MeatLife chính thức giao dịch cổ phiếu MML trên thị trường UpCom sẽ gia tăng sự linh hoạt và khẳng định nền tảng vững chắc của công ty, mang đến cho thị trường nhiều cơ  hội đầu tư hấp dẫn.

Hiện tại, sau 11 tháng ra mắt, MEATDeli đã phát triển với hơn 410 điểm bán hàng ở Hà Nội và TP.HCM và có thể cán mốc 550 điểm bán hàng trong năm 2019.

Với con số tăng trưởng gấp 10 lần điểm bán, doanh thu của Masan MeatLife dự kiến đạt 500 – 1.000 tỷ đồng trong năm đầu tiên ra mắt thị trường, cùng kỳ vọng tới năm 2022, các sản phẩm thị có thương hiệu sẽ đóng góp 50% - 70% doanh thu của doanh nghiệp.

BOX

Để hiện thực hoá mục tiêu vừa nêu ra, Masan MeatLife đã sở hữu trang tại chăn nuôi lợn công nghệ cao ở Nghệ An với hai phân khu có tổng diện tích 200ha, có khả năng cung cấp cho thị trường 250.000 con lợn mỗi năm. Đồng thời, liên kết với các đối tác thu mua lợn đạt tiêu chuẩn nhằm gia tăng sản lượng và đảm bảo nguồn cung ổn định.

Tổ hợp chế biến thị MML Meat Hà Nam có công suất thiết kế 1,4 triệu con lợn, tương đương 140.000 tấn thị lợn mỗi năm. Tháng 9/2019, Tổ hợp chế biến thịt được chứng nhận Tiêu chuẩn Toàn cầu BRC về an toàn thực phẩm. Dự kiến, tổ hợp chế biến thịt mát thứ hai của Masan MeatLife sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2020 tại Long An.

Hoàng Nhật
Cùng chuyên mục