Việc giá cước vận tải “đứng im” sau khi giá xăng dầu đã nhiều lần giảm sâu đang gây rất nhiều bức xúc trong dư luận. Đối chiếu với các quy định trong Luật Giá thì chúng ta có biện pháp gì để xử lý các doanh nghiệp không, thưa ông?
Theo quy định của Luật Giá thì cước vận tải do thị trường quyết định. Đối với cước vận tải, do giá nhiên liệu đầu vào chiếm 30 - 40% giá thành, nếu theo quy luật của thị trường, của cạnh tranh tự do, khi giá nhiên liệu đầu vào giảm thì giá cước vận tải cũng sẽ phải giảm tương ứng. Nhưng rõ ràng ở đây quy luật của thị trường đã không xuất hiện.
Các doanh nghiệp quyết không chịu giảm giá cước cho dù giá xăng dầu đã giảm sâu. Vấn đề đặt ra ở đây, nếu giá cước vận tải do Nhà nước quản lý thì rất dễ để các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Nhưng vì luật đã quy định giá cước vận tải do thị trường quyết định, dẫn đến việc xử lý là rất khó.
Giá cước vận tải không giảm khiến hành khách đi xe thiệt thòi. Trong ảnh: Hành khách mua vé xe tại Bến xe khách Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
Tuy nhiên, trong Luật Cạnh tranh thì có quy định cấm độc quyền, cấm các tổ chức, cá nhân liên kết với nhau để duy trì giá cả độc quyền, không phù hợp với quy luật cạnh tranh. Đối chiếu với thực tế đang diễn ra trong lĩnh vực vận tải thì dường như các doanh nghiệp đang có dấu hiệu liên hiệp, liên kết với nhau để “giữ giá”, gây thiệt hại cho khách hàng. Vì thế các cơ quan quản lý cần vận dụng quy định trên để tiến hành kiểm tra, thanh tra làm rõ xem cơ cấu giá như thế, giá đầu vào giảm như thế mà tại sao doanh nghiệp vẫn không chịu giảm giá cước? Phải chăng các doanh nghiệp đang có sự liên kết để tạo ra sự độc quyền về giá cước.
Tôi nghĩ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ GTVT phải vào cuộc quyết liệt, làm rõ vấn đề này và xử lý nghiêm các đơn vị có sai phạm.
Ông Bùi Đức Thụ.
Nhưng làm sao để có được bằng chứng khẳng định các doanh nghiệp đã liên kết độc quyền về giá, thưa ông?
Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể làm rõ được. Bởi trong cơ cấu giá cước vận tải thì xăng dầu luôn chiếm tỷ trọng 30 – 40%. Theo quy luật của thị trường, khi giá nhiên liệu giảm thì giá cước cũng phải giảm tương ứng. Nay giá nhiên liệu đầu vào đã giảm sâu mà doanh nghiệp đồng loạt không giảm giá cước thì rõ ràng có dấu hiệu liên kết.
Chúng ta có thể sử dụng công cụ về thuế để kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp vận tải không chịu giảm giá cước được không, thưa ông?
Thuế có thể sử dụng nhưng hiệu quả không cao. Đơn cử như hiện nay, chúng ta quy định mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%. Như vậy, nếu DN được 100 đồng lãi thì chỉ phải nộp có 22 đồng lãi. Như thế có thu thuế cũng không đáng là bao, doanh nghiệp vẫn có lãi lớn.
Trước tình trạng giá cước vận tải không chịu giảm, Chính phủ từng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu đưa giá cước vào diện bình ổn giá. Ông nghĩ sao về đề xuất trên?
Nếu đưa vào thì phải sửa đổi Luật Giá mới đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Cái quan trọng lúc này không phải là sửa đổi Luật Giá mà cần rà soát lại toàn bộ các quy định của pháp luật hiện xem có quy định nào để xử lý được không. Nếu không có thì cũng cần nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định để nhà nước có đủ công cụ quản lý.
Văn Kiên (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.