Thảo luận Luật Kinh doanh Bảo hiểm: ''Chặn'' cửa kinh doanh bất động sản, nhưng chưa "bịt" lỗ hổng trục lợi bảo hiểm

28/05/2022 11:10 GMT+7
Nhiều trường hợp hành vi gian dối thông tin của bên mua bảo hiểm giấu bệnh, khai và điền hồ sơ yêu cầu bảo hiểm không trung thực, không đầy đủ, còn có sự tiếp tay, hỗ trợ của tư vấn viên, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hoặc của các cơ quan có liên quan khác.

Dự thảo luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm... không được kinh doanh bất động sản, đầu tư chứng khoán phái sinh, kim loại quý, đá quý, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài...

Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản

Tán thành với quy định không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài kinh doanh bất động sản, nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, nội dung quy định tại dự thảo luật chưa thể hiện rõ việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài không được kinh doanh trực tiếp bất động sản nhưng có được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp là công ty con để kinh doanh bất động sản không?

"Nếu được đóng góp vốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì có giới hạn tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài không? Đề nghị làm rõ vấn đề này để có quy định cụ thể, rõ ràng trong dự thảo luật, tránh cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện pháp luật", đại biểu Kiều đặt vấn đề.

''Chặn'' cửa kinh doanh bất động sản, nhưng chưa "bịt" lỗ hổng trục lợi bảo hiểm - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài kinh doanh bất động sản. (Ảnh: Qh)

Về điều này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, cho biết dự thảo luật hiện giao Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc, hạn mức đầu tư, trong đó gồm tỷ lệ sử dụng bất động sản của doanh nghiệp bảo hiểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông tin thêm, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 cho phép doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Tức là Luật này không cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản trực tiếp mà phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh về bất động sản.

Hơn nữa, quy định tại dự thảo Luật không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản (khoản 3 Điều 112) cũng an toàn và phù hợp với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Do đó, để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định về việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản.

Dự thảo Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được thảo luận lần 1 tại kỳ họp thứ 2 diễn ra cuối năm ngoái và tại Hội nghị Đại biểu chuyên trách cuối tháng 3/2022. Theo nghị trình, dự luật sửa đổi này sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này.

Cần "bịt" kẽ hở trục lợi bảo hiểm

Góp ý cho Dự thảo luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) phát biểu, từ thực tiễn các vụ việc gian dối thông tin để trục lợi bảo hiểm đã diễn ra trong thời gian qua cho thấy có một số vấn đề về gian dối thông tin trong hợp đồng bảo hiểm để trục lợi, được thực tiễn đặt ra nhưng dự thảo luật còn bỏ ngỏ chưa giải quyết hết, như:

Thứ nhất, hành vi gian dối, thông tin trong hợp đồng bảo hiểm để trục lợi bảo hiểm không chỉ xuất phát từ một phía của bên mua bảo hiểm, trong nhiều trường hợp hành vi gian dối thông tin của bên mua bảo hiểm giấu bệnh, khai và điền hồ sơ yêu cầu bảo hiểm không trung thực, không đầy đủ, còn có sự tiếp tay, hỗ trợ của tư vấn viên, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hoặc của các cơ quan có liên quan khác.

Tuy nhiên, dường như dự thảo luật chưa đặt ra vấn đề gian dối thông tin, việc xác định, xử lý hành vi tiếp tay của tư vấn viên đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và các cơ quan có liên quan.

Cũng theo phân tích của vị đại biểu này, mặc dù tại điểm a khoản 4 Điều 9 của dự thảo luật có quy định về hành vi thông đồng của các chủ thể khác với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật là một trong những hành vi bị cấm, nhưng lại chưa có điều khoản nào giải thích cụ thể thông đồng là như thế nào. Thông đồng được hiểu biểu hiện thông qua các hành vi cụ thể nào? Đây có thể là kẽ hở để các bên lợi dụng để kết hợp thực hiện hành vi trục lợi.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 22 của dự thảo luật về trách nhiệm pháp lý, do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Dự thảo luật đã phân tích, bóc tách rõ độc lập, trách nhiệm, hậu quả pháp lý mà các bên phải chịu khi bên bán hoặc bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật, gian dối mà chưa tính toán đến trách nhiệm hậu quả pháp lý mà các bên phải chịu khi có hành vi gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật của bên mua bảo hiểm xảy ra nhưng có sự thông đồng giúp sức của các bên bán bảo hiểm.

Khi đó, nếu trường hợp pháp lý của hành vi xảy ra thì hầu như bên mua bảo hiểm phải tự chứng minh thiệt hại xảy ra nếu có. Điều này thật sự rất thiệt thòi cho bên mua bảo hiểm.

''Chặn'' cửa kinh doanh bất động sản, nhưng chưa "bịt" lỗ hổng trục lợi bảo hiểm - Ảnh 3.

Đại biểu cũng cho rằng cần có sự tính toán tăng chế tài đối với bên kinh doanh bảo hiểm có hành vi gian lận, đặc biệt trong bối cảnh các hành vi gian lận đang gia tăng về số lượng trên thị trường. (Ảnh: QH)

Thứ ba, theo quy định pháp luật hình sự của nước ta hiện nay chế tài đối với bên bán bảo hiểm trong các trường hợp gian dối, gian lận trong kinh doanh bảo hiểm chưa đủ mạnh.

Cụ thể, tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm được quy định hướng dẫn tại Điều 213 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt tù cao nhất là 7 năm đối với cá nhân và xử phạt mức tối đa là 7 tỷ và cấm kinh doanh đến 3 năm đối với pháp nhân.

Hình phạt này là khá nhẹ so với quy định của nhiều nước trên thế giới. Ở Mỹ hành vi trục lợi bảo hiểm từ 50 đô đến 500 USD lên mức 200.000 đô bị phạt tù. Gây thiệt hại nghiêm trọng về người tử vong hoặc bị thương nặng bị phạt tù 5 đến 99 năm hoặc chung thân. Tại Anh án phạt tù đối với tội trục lợi bảo hiểm lên đến 10 năm, v.v..

"Đây cũng là một vấn đề mà Quốc hội cần phải tính toán khi quy định và thực hiện các biện pháp phòng, chống trục lợi bảo hiểm trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm", đại biểu Thủy nhấn mạnh.



PVKT
Cùng chuyên mục