Chân dung tân Phó Tổng giám đốc PVN Lê Xuân Huyên

Huyền Anh Thứ tư, ngày 04/09/2019 17:47 PM (GMT+7)
Ông Lê Xuân Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Dưới sự lèo lái của ông Huyên, Lọc hóa dầu Bình Sơn sụt giảm gần 80% lợi nhuận sau thuế, tổng nợ chiếm tới 65% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Bình luận 0

Ngày 4/9, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định về công tác cán bộ.

Tại buổi lễ, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn và Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã trao quyết định của Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam điều động và bổ nhiệm có thời hạn đồng chí Lê Xuân Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn PVN.

img

Tân Phó Tổng giám đốc PVN Lê Xuân Huyên (nguồn PVN)

Ông Lê Xuân Huyên sinh năm 1966, quê Hải Phòng, có trình độ chuyên môn là Tiến sỹ Quá trình và thiết bị công nghệ hóa. Ông từng là giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội trong 2 năm trước khi tham gia sâu vào lĩnh vực dầu khí. Từ tháng 6/2018 đến nay, ông Lê Xuân Huyên giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Xuyên suốt cả quá trình (kể từ những ngày đầu khởi nghiệp), ông Huyên từng được đánh giá là cá nhân xuất sắc trên từng cương vị công tác. Điểm nổi bật ở ông là các thế mạnh (gồm kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm trải rộng từ kỹ trị, đến thực hành).

Quá trình công tác của Tân Phó tổng giám đốc PVN Lê Xuân Huyên

- Từ tháng 1/1995 - 3/1997: Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

- Từ tháng 4/1997 - 2/1999: Ban Chế biến Dầu khí.

- Từ tháng 3/1999: Biệt phái tại Công ty Lọc hóa dầu Việt Nga [1], Đại diện giám sát FEED [2] tại Vương quốc Anh đến năm 2000.

- Từ tháng 5/2000 - 4/2002: Kinh qua chức vụ: Trợ lý Phó TGĐ Công ty Lọc hóa dầu Việt Nga, Phụ trách phòng thương mại.

- Từ tháng 4/2002 - 9/2004: Quay lại Ban Chế biến Dầu khí.

- Từ tháng 9/2004 - 7/2008: Chuyển về Ban QLDA Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), vị trí chuyên viên và phụ trách Phòng Kỹ thuật.

- Từ tháng 8/2008 - 6/2011: Đồng giám đốc Dự án Công ty NSRP (Giám sát FEED tại Vương Quốc Anh).

- Từ tháng 7/2011 - 3/2014: Phó Trưởng Ban Chế biến Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

- Từ tháng 4/2014 - 5/2018: Trưởng Ban Chế biến Dầu khí kiêm ủy viên Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn tại NSRP.

- Từ tháng 6/2018 đến nay: Chủ tịch HĐQT Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

BSR dưới sự lèo lái của ông Lê Xuân Huyên

Ngồi ghế nóng tại Lọc hóa dầu Bình Sơn kể từ tháng 6/2018 đến nay cũng là thời điểm được coi là khó khăn của doanh nghiệp này bởi kết quả kinh doanh đi xuống. Cụ thể, năm 2018, BSR chỉ đạt vỏn vẹn 226 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong năm 2017 công ty này lãi ròng lên tới gần 7.700 tỷ đồng, năm 2016 lãi ròng 4.435 tỷ.

Riêng 2 quý cuối cùng của năm 2018 – kể từ khi ông Huyên giữ vai trò là Chủ tịch của BSR, lợi nhuận của doanh nghiệp còn âm tới 1.026 tỷ đồng trong quý IV/2018.

Mới đây, BSR của ông Lê Xuân Huyên cũng đã công bố BCTC bán niên năm 2019. Theo đó, sau soát xét, BSR ghi nhận gần 747 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm gần 20% so với BCTC tự lập. Kéo theo đó, chi phí thuế TNDN của doanh nghiệp cũng giảm 16% và lợi nhuận sau thuế giảm gần 20% từ mức 877,5 tỷ trước soát xét về chỉ còn hơn 704 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm ngoái, mức lãi ròng nửa đầu năm nay đã “bốc hơi” gần 80% mặc dù công ty đã cố gắng tiết giảm các chi phí tài chính, kinh doanh.

img

Lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn bán niên 2019

Nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo Ban lãnh đạo BSR, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như giá dầu thô diễn biến phức tạp, khó lường; khoảng chênh giữa giá sản phẩm và dầu thô giảm mạnh so với kế hoạch; nguồn cung xăng dầu trong nước được bổ sung từ Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn làm tăng thêm sự cạnh tranh; chính sách thuế nhập khẩu dầu thô chưa được tháo gỡ,...

Tại thời điểm 30/6/2019, BSR có tổng tài sản đạt 52.797 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 20.783 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm 2018 nhưng vẫn chiếm gần 65% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn khoảng 9.700 tỷ. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 32.014 tỷ đồng.

Đặc biệt, tiền và các khoản tương đương tiền cuối quý II/2019 của BSR tiếp tục duy trì mức 5.863 tỷ đồng, quá khứ BSR từng có khoản tiền nhàn rỗi rất cao hàng chục ngàn tỷ đồng, những năm gần đây liên tục sụt giảm đáng kể. Trong đó, BSR vẫn đang ghi nhận gần 2.735 tỷ đồng khoản tương đương tiền bao gồm tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng tại OceanBank chi nhánh Quảng Ngãi đang tạm dừng giao dịch. Ban Tổng giám đốc BSR đánh giá, khoản tiền này sẽ được giao dịch trở lại trong tương lai khi có những quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BSR giảm khá mạnh. Đóng phiên giao dịch 4/9, BSR chỉ còn 9.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá trên 29.000 tỷ đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem