"Có lẽ tôi có duyên với người chết nên không hề sợ hãi khi làm nghề khâm liệm", Tùng chia sẻ.
Nguyễn Ngọc Tùng (SN 1990) là một chàng trai lớn lên ở Thủ đô. Nghề nghiệp của Tùng khá đặc biệt - nhân viên mai táng. “Bạn bè của tôi chỉ thốt lên đúng một từ 'choáng' khi tôi giới thiệu làm ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội”, Tùng nói.
Bố của Tùng làm việc ở nghĩa trang Mai Dịch. Thuở bé, anh thường theo bố đến nghĩa trang chơi. Tùng tâm sự: "Có lẽ tôi có duyên với người chết nên không hề sợ hãi khi làm nghề khâm liệm. Nhưng hồi đó, tôi cũng không bao giờ có ý nghĩ làm nghề trang điểm cho tử thi".
Sau này, khi lớn lên, Tùng theo học Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành điện. Tuy nhiên, khi khi ra trường, anh lại quyết định theo nghề của bố. Tùng kể lại: "Những ngày đầu vào làm việc, tôi cũng rất lo lắng, bởi trước hay đến nghĩa trang nhưng chưa tận tay sờ vào xác chết, không biết có vượt qua được nỗi sợ hãi khi tiếp xúc với các thi hài không. Lần đầu vào nhà xác, thấy nhiều xác nằm đắp chăn chỉ hở mỗi chân, tôi lạnh hết sống lưng bởi chưa khi nào lại tiếp xúc với nhiều xác chết đến vậy”.
Tiếp xúc với xác chết nhiều, người ta thường nói là bị “lạnh” nên ban đầu, vợ Tùng đốt sẵn cho một xoong bồ kết để trước nhà, Tùng về chỉ việc đi qua vài vòng để hết khí lạnh. Mất khoảng vài ngày, về sau quen dần, vợ Tùng không đốt nữa.
Sau 6 tháng thử việc, Tùng cũng dần quen công việc ở nhà tang lễ. Mọi quy trình như đi lấy xác chết, thay quần áo, cho đồ cúng vào quan tài, cách đặt thi hài vào quan tài, trang điểm cho thi hài… đã dần thành thạo.
"Lần đầu trang điểm cho tử thi, tay cũng hơi run. Cầm phấn, son môi của phụ nữ, tôi vốn không quen, nhưng được các anh đã làm lâu năm chỉ bảo nên tôi cũng tự tin hơn", Tùng chia sẻ.
Người sau khi chết, da thường nhợt nhạt, phải trang điểm sao cho họ giống như đi ngủ, làm việc này phải hết sức nhẹ nhàng. Xác chết sau khi được lấy ra từ nhà lạnh ra, thay quần áo, lau chân, lau tay và dùng khăn thấm nhẹ ở mặt, đặc biệt thấm nhẹ hai hốc mắt tử thi.
Mỗi người có một cách trang điểm khác nhau, đàn ông trang điểm nhạt, chị em phụ nữ thì đậm thêm một chút, cụ bà thì trang điểm đậm hơn. Đầu tiên đánh phấn từ trán đổ xuống hai bên mắt, đậm hai bên mắt xong xuống đến má rồi đến cằm.
Trước khi làm đẹp cho tử thi để đưa vào quan tài, Tùng cùng một đồng nghiệp vào nhà lạnh kiểm tra danh tính tử thi, mang xác ra bên ngoài.
Gắn bó với công việc này được 4 năm, khâm liệm hàng trăm xác chết. Tùng kể, có rất nhiều kỉ niệm khi làm ở đây, vui có, buồn có. Nhớ nhất là lần đi lấy tử thi, người đó sống một mình nên khi chết không ai để ý, khi phát hiện thì cơ thể đã thối rữa, bốc mùi kinh khủng. Mất ăn mất ngủ mấy ngày, đến tận bây giờ, thỉnh thoảng thấp thoáng trong đầu hiện lên hình hài phân hủy đó.
Rồi có những hôm đi nhận xác từ 2h sáng. Thường đi nhận xác chỉ có một người và một lái xe. Nếu gặp những người bình thường chết thì không sao, nhưng có những người chết vì bệnh truyền nhiễm thì… rất sợ, dù đã trang bị đầy đủ đồ bảo hộ. Những người chết vì tai nạn giao thông cũng khiến người làm nghề này vất vả, phải khâu vá các mảnh thịt rách lại với nhau rồi mới tô phấn.
Quan niệm của Tùng, làm nghề này cần nhất chăm chỉ, nghiêm túc trong công việc và đặc biệt tinh thần phải vững mới làm được.
“Nhiều người hay e ngại tiếp xúc với xác chết nhưng tôi chưa bao giờ muốn đổi nghề. Hằng ngày thay quần áo, trang điểm cho tử thi… tôi coi đó là một công việc làm đẹp cho đời, giúp người mất sang thế giới bên kia có một diện mạo tươi tắn hơn”, chàng trai trẻ tâm sự.
-----------------------
Cảm giác bước vào phòng lạnh lấy xác như xuống âm phủ, không gian u uất, lạnh lẽo, chỉ thấy xác người nằm bất động, có cảm giác rùng rợn. Khi mang xác ra khỏi phòng lạnh, họ sử dụng son phấn của phụ nữ trang điểm cho những người chết trở nên tươi tắn, hồng hào, có hồn sao cho giống như khi đang ngủ.
Đón đọc kì tiếp theo "Tận mắt xem chuyên gia trang điểm cho tử thi" vào lúc 10h ngày 25/9.
Nơi làm việc của ông Chanh là một phòng nhỏ, xung quanh là hàng chục cái xác lạnh lẽo đang chờ giờ trang điểm, khâm liệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.