Chàng trai gốc Việt khơi hạnh phúc từ nỗi đau

Thứ sáu, ngày 27/01/2012 11:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Rời Việt Nam trong chiến dịch Babylift cùng với 99 em bé vào năm 1975, Lê Thanh đã được đưa đến xứ Wales ở nước Anh. Lê Thanh, nay đã 39 tuổi, là một kỹ sư điện toán.
Bình luận 0

Năm 2010, lần đầu tiên anh trở về Việt Nam để tìm lại cội nguồn sau gần 40 năm sống ở xứ người. Những ngày về Việt Nam đầu tiên đó, Lê Thanh đã đi thăm một trại mồ côi chăm sóc trẻ em bị di chứng của chiến tranh Việt Nam.

Gặp những mảnh đời bất hạnh đó, được trò chuyện và thấu hiểu nỗi đau mà các em đã phải chịu đựng, Lê Thanh như chạm vào được niềm khát khao, mong mỏi của những em bé này. Sau chuyến đi đầu tiên đầy ý nghĩa, Lê Thanh đã kêu gọi những người bạn của mình giúp đỡ những em bé này thông qua trang mạng Reachingout.

img
Lê Thanh (áo đen) và những em bé bất hạnh anh gặp trong chuyến đi từ thiện ở VN.

Cuối năm 2011, anh cùng với một số người bạn trở lại Việt Nam để thực hiện giấc mơ từ thiện của mình. Trong lời tâm sự trên Reachingout, Lê Thanh cho biết: "Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm cứu gúp trẻ mồ côi Việt Nam. Tôi rất may mắn, được nuôi dưỡng tốt, nhưng những đứa bé này không được như thế".

Lê Thanh và những người bạn đã đi môt số nơi để thăm các em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có một trại mồ côi giúp các em bị hội chứng Down. Trong câu chuyện Lê Thanh kể, có những em bé anh gặp đã không đi lại bình thường được vì bộ xương sống của các em đã bị xiêu vẹo, bị tổn thương nặng nề. Có em bé đã làm cho Lê Thanh thấy đau lòng khôn tả khi thấy em không thể di chuyển ra khỏi cái nôi mà em đã phải nằm trong đó phần lớn cuộc đời đã qua.

Thanh nói: "Mỗi trại có khoảng từ 20 đến 30 em nhưng chỉ có 3 hay 4 nhân viên chăm lo cho các em. Các em chỉ cần có người để chúng nói chuyện và muốn được đối xử như người bình thường".

Lê Thanh mong muốn chương trình do anh phát động sẽ còn vươn tới gia đình các em bé đáng thương này. Anh nói: "Họ cần tiền và một tấm lòng giúp dỡ cho họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống". Lê Thanh quan niệm, để mang lại niềm hạnh phúc cho người khác, bạn phải thực sự chạm được vào nỗi đau của họ, mới có thể cảm nhận và thấu hiểu được niềm khát khao họ mong muốn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem