Chạy đua thời gian vận chuyển trái tim từ Hà Nội về Huế để ghép cho bệnh nhân giai đoạn cuối

Trần Hòe Thứ sáu, ngày 29/11/2024 15:17 PM (GMT+7)
Bệnh viện Trung ương Huế chạy đua với thời gian để đưa trái tim từ người cho chết não tại Bệnh viện Quân Y 103 (Hà Nội) về ghép thành công cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối.
Bình luận 0

Chiều 29/11, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, cơ sở y tế này vừa chạy đua với thời gian để đưa trái tim từ người cho chết não tại Bệnh viện Quân Y 103 (Hà Nội) về ghép thành công cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối.

Chạy đua thời gian vận chuyển trái tim từ Hà Nội về Huế ghép cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối- Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế ghép tim cho bệnh nhân H.T.P. Ảnh: Nhật Tân.

Trước đó, vào chiều 27/11, được sự đồng ý của gia đình bệnh nam bệnh nhân 24 tuổi và điều phối của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Quân Y 103 và các ekip của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Trung ương Huế đã phối hợp tiến hành lấy các tạng hiến tặng gồm tim, phổi, gan và 2 quả thận của bệnh nhân. Trong đó, quả tim được điều phối để ghép cho bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn, suy tim giai đoạn cuối ở Bệnh viện Trung ương Huế.

Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và tích cực hỗ trợ trong suốt quá trình điều phối của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Quân Y 103 cùng sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ekip lấy tạng, sự hỗ trợ của các chiến sĩ CSGT Công an TP.Hà Nội và Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Hãng hàng không Vietnam Airlines, trái tim đã được vận chuyển về Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế kịp thời trong "giờ vàng".

Video bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế chạy đua thời gian vận chuyển trái tim từ Hà Nội về Huế ghép cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối. 

Quả tim được ghép cho bệnh nhân H.T.P (23 tuổi), người mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim giai đoạn cuối với chức năng tim rất thấp EF 12%, chờ ghép từ năm 2018. Bệnh nhân nhiều lần nhập viện trong tình trạng cấp cứu, suy tim rất nặng phải thở máy và dùng nhiều thuốc trợ tim.

Bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành thay đổi kỹ thuật bằng thực hiện miệng nối ưu tiên để cho tim đập lại sớm trước sau đó mới hoàn thiện các miệng nối còn lại khi tim đã đập. Việc này nhằm rút ngắn tối đa thời gian thiếu máu của tim, rất có ý nghĩa trong việc phục hồi chức năng của tim sau mổ.

Chạy đua thời gian vận chuyển trái tim từ Hà Nội về Huế ghép cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối- Ảnh 2.

Sau khi được ghép tim từ người cho chết não, hiện bệnh nhân H.T.P đã tự ăn uống, vận động tại giường, các xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường. Ảnh: Nhật Tân.

Sau 4 giờ 5 phút kể từ thời điểm nhận tim và vận chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế, trái tim được hiến tặng đã đập lại khỏe mạnh trong lồng ngực của bệnh nhân H.T.P vào lúc 22h20 ngày 27/11/2024. Đây là một kỷ lục về rút ngắn thời gian vận chuyển tim và ghép tim xuyên Việt của Bệnh viện Trung ương Huế.

5 giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, chức năng tim 62%. Hiện tại bệnh nhân tự ăn uống, vận động tại giường, các xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường.

Đây là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương Huế và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13. Trong vòng chưa đầy một tháng, Bệnh viện đã thực hiện 2 ca ghép tim xuyên Việt, 4 ca ghép giác mạc từ mô, tạng người cho chết não.

"Được sự điều phối của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, sự hỗ trợ của 2 bệnh viện Quân Y 103 và Trung ương Quân đội 108, chúng tôi chạy đua với thời gian, vượt qua trở ngại về không gian, để đưa trái tim an toàn về ghép cho bệnh nhân. Việc vận chuyển tim về Huế không được phép sai sót, không được phép chậm trễ bởi trái tim được hiến tặng là món quà vô giá và bệnh nhân nguy kịch đang mòn mỏi từng giây từng phút chờ ghép tạng…", GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế bày tỏ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem