“Cháy” tài khoản trong phiên đáo hạn chứng khoán phái sinh

25/05/2020 08:56 GMT+7
Dấu hiệu “làm giá” chứng khoán phái sinh xuất hiện rõ nét trong phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa ngày 21/5 , khi hợp đồng tương lai chỉ số VN30 kỳ hạn 1 tháng (mã VN30F2005) đáo hạn với giá đóng cửa đột ngột tăng trần, bỏ xa chỉ số cơ sở, khiến một số nhà đầu tư lãi lớn, còn một số nhà đầu tư khác

Trước khi bước vào phiên giao dịch khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) ngày 21/5, giá hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng dao động quanh mức tham chiếu 807,5 điểm, tiếp tục bám khá sát chỉ số cơ sở VN30.

Bởi lẽ, đây là phiên giao dịch cuối cùng của hợp đồng này, những ai không đóng vị thế mà duy trì cho đến cuối phiên thì theo quy định, cơ sở để thanh toán lãi - lỗ sẽ là mức giá đóng cửa của VN30. Diễn biến giá chứng khoán phái sinh trong phiên ATC cũng vậy, bám sát biến động giá của các mã cổ phiếu trong VN30.

Thực tế giao dịch trong những phiên hợp đồng tương lai đáo hạn cho thấy, các nhà đầu tư phái sinh theo dõi rất sát sao biến động giá trên thị trường cơ sở để có giải pháp ứng phó kịp thời, đặc biệt là trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa.

Cụ thể, nếu giá phái sinh đóng cửa ở mức cao hơn VN30 thì mở vị thế bán trong phiên ATC sẽ lãi, mở vị thế mua sẽ lỗ; ngược lại, giá phái sinh đóng cửa ở mức thấp hơn VN30 thì mở vị thế mua trong phiên ATC sẽ lãi.

Với nhà đầu tư đã mở vị thế mua trước khi phiên ATC diễn ra, họ sẽ duy trì vị thế nếu dự đoán VN30 sẽ tăng, hoặc đóng vị thế trong phiên ATC khi thấy giá phái sinh dự kiến khớp ở mức cao hơn VN30.

Còn nhà đầu tư đã mở vị thế bán trước khi phiên ATC diễn ra, họ sẽ duy trì vị thế nếu dự đoán VN30 sẽ giảm, hoặc quyết định đóng vị thế trong phiên ATC bằng cách giao dịch đối ứng (tức đặt lệnh mua) khi thấy giá phái sinh dự kiến khớp ở mức thấp hơn VN30.

Các toan tính của cả bên mua và bên bán nhằm có cơ hội hưởng lợi và hạn chế thiệt hại vô hình trung giúp thị trường cân bằng, giá phái sinh trong phiên đáo hạn và chỉ số cơ sở chênh lệch nhau rất ít, phổ biến quanh mức 1 điểm.

“Cháy” tài khoản trong phiên đáo hạn chứng khoán phái sinh - Ảnh 1.

Vậy nhưng, trong phút cuối cùng của phiên giao dịch ngày 21/5, lệnh mua tại giá khớp lệnh (ATC) cũng như lệnh mua giá trần bất ngờ đổ vào sàn phái sinh, khiến giá hợp đồng tương lai đáo hạn trong phiên này vọt tăng, đóng cửa tại mức trần, đạt 864 điểm, cao hơn 48,45 điểm so với mức giá đóng cửa của VN30 (815,55 điểm).

Trong khi đó, VN30 đóng cửa ở mức cao nhất phiên, nhưng cũng chỉ tăng hơn 12 điểm so với cuối phiên 20/5.

Theo đó, với các nhà đầu tư mở vị thế mua trong phiên ATC, mức lỗ đến từ sự chênh lệch giữa giá phái sinh và chỉ số cơ sở là 4,845 triệu đồng/hợp đồng (1 điểm tương đương 100.000 đồng), còn bên mở vị thế bán trong phiên ATC có mức lãi tương ứng.

Thông thường, rất ít nhà đầu tư thực hiện mở mới vị thế trong phiên ATC, mà đa số lệnh được khớp trong phiên này là của các nhà đầu tư muốn hiện thực hóa lợi nhuận hoặc cắt lỗ.

Vì thế, mức lãi hay lỗ 4,845 triệu đồng/hợp đồng đến từ việc giá phái sinh cao hơn 48,45 điểm so với chỉ số VN30 chủ yếu là của các nhà đầu tư mở vị thế mua/bán từ trước.

Mức lãi/lỗ trong phiên 21/5 của nhà đầu tư có thể lớn hơn, vì mức giá phái sinh khi đóng cửa cao hơn 56,5 điểm so với giá tham chiếu cũng như so với các mức giá giao dịch trước khi bước vào phiên ATC.

Theo thống kê, khối lượng giao dịch của mã phái sinh VN30F2005 đáo hạn ngày 21/5 tính riêng trong phiên ATC là hơn 3.600 hợp đồng.

Như vậy, giá trị chênh lệch so với VN30 là gần 17,5 tỷ đồng (3.603 hợp đồng x 4,845 triệu đồng). Ðối với các nhà đầu tư mở vị thế mua/bán trước khi đợt ATC diễn ra và duy trì vị thế cho đến hết phiên giao dịch thì mức lãi/lỗ được tính dựa trên chỉ số VN30 lúc đóng cửa (815,55 điểm).

Trong đó, so với cuối phiên 20/5, mức lãi/lỗ chỉ là 0,805 triệu đồng/hợp đồng (VN30 đóng cửa phiên 21/5 cao hơn 8,05 điểm so với giá tham chiếu của mã VN30F2005).

Trong phiên ATC ngày 21/5, trên thị trường cơ sở có một số cổ phiếu tăng giá mạnh, nhất là nhóm ngân hàng, trong đó mã EIB và HDB tăng trần, khiến thị trường phái sinh tăng theo.

Tuy nhiên, mức tăng của chỉ số VN30 không lớn, trong khi giá hợp đồng tương lai VN30F2005 tăng trần vào thời điểm cuối phiên, dù đây là phiên đáo hạn, mức lãi/lỗ được tính theo VN30, nên có các ý kiến cho rằng, hiện tượng “làm giá” chứng khoán phái sinh tái xuất hiện.

“Mua giá trần trong phiên chứng khoán phái sinh đáo hạn cầm chắc thua lỗ nên tôi cho rằng đây là hiện tượng làm giá, nhiều khả năng do một nhóm nhà đầu tư gây ra.

Nhóm này vừa đặt lệnh mua giá cao để kích giá phái sinh, vừa đặt lệnh bán nhằm hiện thực hóa lợi nhuận từ các vị thế mua tại thời điểm giá thấp, thậm chí rất thấp trước đó. Khoản lãi từ việc đóng vị thế mua cũ sẽ lớn hơn nhiều mức lỗ từ việc mở vị thế mua mới”, một nhà đầu tư phái sinh nói.

Trí Dũng/ĐTCK
Cùng chuyên mục