Ở Quảng Trị, đá tập trung nhiều ở vùng đất đỏ ba zan miền Tây huyện Gio Linh. Các xã có đá nhiều như Gio Bình, Gio An, Hải Thái, Gio Sơn… Đá nằm lổm nhổm trên mặt đất khiến việc canh tác của nông dân gặp nhiều khó khăn, nhiều diện tích đất đành bỏ hoang.
Vì vậy, vào những ngày mùa màng xong xuôi, rãnh rỗi thì nông dân nơi đây sẽ làm nghề chẻ đá, đem bán để kiếm thêm thu nhập. Hơn nữa, sau khi đá được múc lên khỏi mặt đất, nông dân sẽ có thêm diện tích đất để canh tác, trồng hoa màu.
Trước đây, thợ đá phải dùng cuốc, xẻng, xà beng để đào lấy những khối đá to, có khi nặng đến hàng tấn nằm lổm nhổm trên mặt đất rồi mới chẻ nhỏ ra được. Còn nay họ đỡ vất vả và làm nhanh hơn vì đa số dùng máy múc đất thay bằng đào tay. Tuy vậy, tính chất nguy hiểm, cực nhọc của những "phu đá" vẫn không hề thay đổi. Có nhiều người đã bị thương, thậm chí bỏ mạng vì nghề này. Tuy nhiên, để mưu sinh, họ vẫn phải chấp nhận làm công việc nặng nhọc này. Và cũng từ nghề này, nhiều ông bố, bà mẹ đã nuôi con cái của mình ăn học đàng hoàng.
Hai bên tuyến đường 75 chạy qua thôn Bình Minh, Gio Bình (Gio Linh, Quảng Trị) tập trung những khối đá to được người dân mua đem về tập kết ở bãi chẻ đá.
Giữa cái nắng gay gắt của ngày hè cùng với những cơn gió Lào thổi khô khốc vào mặt, những người thợ chẻ đá vẫn miệt mài chẻ từng khối đá để mưu sinh.
Để làm được nghề này, yêu cầu người làm cần phải có sức khỏe tốt, sự dẻo dai, tính kiên nhẫn.
Để "biến đá thành tiền", thợ chẻ đá cũng phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt”. Những tai nạn như trầy xước, chảy máu, bẹp ngón tay, ngón chân, vụn đá bắn vào mắt… đều là mối hiểm nguy đe doạ thường ngày đối với thợ chẻ đá.
Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng họ không có dụng cụ bảo hộ lao động. Họ chỉ được cái khẩu trang mỏng manh dùng để che bụi. Không chỉ vậy làm lâu năm các thợ chẻ đá có nguy cơ bị bệnh viêm đường hô hấp, viêm xoang, viêm họng… do tiếp xúc với bụi đá lâu ngày.
Để có được những viên đá thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên dùng búa, xà beng, đục để làm vỡ những khối đá tròn to thành từng khối nhỏ.
Dùng thước để đo kích cỡ viên đá. Sau đó dùng búa, đục đẽo một lỗ để đặt con chạm vào đó (tùy vào khối đá to hay nhỏ mà đặt nhiều hay ít con chạm).
Dùng nước lạnh đổ vào nơi đặt con chạm (để khi dùng búa đập vào con chạm không nhảy lung tung).
Khối đá đã vỡ làm đôi đúng kích cỡ mà thợ đá đã đo.
Viên đá vuông hình sắc cạnh được thợ đá đục đẽo dần dần đã hoàn thiện. Những viên đá thành phẩm chất hai bên đường chẳng khác gì khuôn đúc làm nhiều người phải thán phục thợ chẻ đá. Số đá xanh hoàn thiện này sẽ được phục vụ cho việc xây bờ rào, lăng mộ….
Còn các loại đá hộc (đá cong vênh hay bị vỡ trong quá trình chế tác) được thợ chẻ đá vận chuyển cho chủ thầu để phục cho công trình xây dựng làm móng nhà, lát đê kè...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.