Chê lãi suất huy động thấp, nhà đầu tư rút tiền gom cổ phiếu ngân hàng

28/07/2020 09:29 GMT+7
Do lãi suất huy động thời gian gần đây xuống thấp, nhiều người gửi tiền đã chuyển tiền tích trữ từ kênh tiết kiệm sang thị trường chứng khoán. Với lợi nhuận cao trong 6 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng, cổ phiếu ngân hàng đang là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư mới.

Sau nhiều năm tích góp, hiện anh Hoàng Anh Tuấn (Hoàng Mai – Hà Nội) đang có trong tay khoản tiền tiết kiệm không nhỏ gửi tại một ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Anh Tuấn cho biết, do lãi suất huy động hiện nay không còn hấp dẫn nên anh Tuấn quyết định thay đổi "khẩu vị rủi ro" bằng việc "xuống tiền tiết kiệm để chơi chứng khoán".

"Thay vì đầu tư an toàn, thì lần này tôi dùng số tiền tiết kiệm của mình đầu tư vào một vài cổ phiếu trên thị trường. Tôi có được một vài người bạn gợi ý đầu tư vào cổ phiếu của các ngành có kết quả lợi nhuận tích cực trong nửa năm, trong đó có các cổ phiếu ngân hàng", anh Tuấn cho biết. 

Dù đã "xuống tiền" đầu tư vài cổ phiếu ngân hàng nhưng anh Tuấn vẫn rất quan ngại khi các ngân hàng đang phải đối mặt với nỗi lo rất lớn về nợ xấu.

Đơn cử như Vietcombank báo lãi gần 11.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ giảm nhẹ 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Song tính đến cuối tháng 6/2020, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Vietcombank tăng từ 0,79% lên 0,83%. Đáng lo là tỷ lệ nợ đáng chú ý (nợ nhóm 2) tăng gấp 3 lần so với đầu năm và đã chiếm tới 1% tổng dư nợ.

Tương tự, tại Sacombank, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cũng cho thấy, thu nhập lãi thuần tăng tới 30%, song doanh thu từ dịch vụ giảm 6%, lãi từ hoạt động khác giảm 74% so với cùng kỳ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lỗ hơn 50,5 tỷ đồng.

Việc tăng trưởng dựa nhiều vào tín dụng cũng khiến ngân hàng này đang phải đối mặt với nợ xấu có nguy cơ tăng lên rất nhanh.

Cụ thể, nợ cần chú ý của Sacombank tăng tới 63%, trong khi nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) cũng tăng gần 3 lần. Điều này khiến Ngân hàng phải tăng mạnh 50% trích lập dự phòng trong 6 tháng đầu năm.

Không chỉ Vietcombank hay Sacombank, báo cáo tài chính quý II/2020 của hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều cho thấy, nợ xấu tăng lên rất mạnh, đặc biệt là nợ nghi ngờ.

Không chỉ gia tăng nợ xấu trong nửa đầu năm, nhiều dự báo cho thấy, nợ xấu của các ngân hàng còn có nguy cơ tăng cao trong nửa cuối năm và những năm tiếp theo. Trong khi đó, con số lợi nhuận trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay chỉ là tạm tính, chưa phản ánh hết bức tranh tài chính của các ngân hàng năm nay.

"Cả con số nợ xấu lẫn lợi nhuận ngân hàng 2 quý đầu năm đều không đáng tin cậy. Thông tư 01/2020/TT-NHNN ban hành tháng 3/2020 đã tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng và cả doanh nghiệp, người dân, song cũng khiến bức tranh nợ xấu và sức khỏe nhà băng trở nên khó đánh giá hơn.

Lượng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được cơ cấu lại là rất lớn, nếu sau này Thông tư 01 hết hiệu lực mà doanh nghiệp vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng mạnh, những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng sẽ trở tay không kịp", chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu dẫn chứng.

Còn theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực, các ngân hàng thông thường trích lập dự phòng mạnh nhất vào quý IV hàng năm. Hơn nữa, ngành ngân hàng thường chịu tác động muộn bởi các khó khăn kinh tế. Vì vậy, báo cáo tài chính 2 quý tới có thể sẽ ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận do ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro.

"Theo tính toán của chúng tôi, lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm nay sẽ giảm 30.000 - 34.000 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra, tức giảm 20 - 25%", ông Cấn Văn Lực đề cập và cho biết thêm, nợ xấu nội bảng năm nay có nguy cơ lên tới 4%. Đáng lo là, đã có hiện tượng một số doanh nghiệp, người dân lợi dụng Covid-19 để lấy cớ chây ỳ trả nợ.

"Xuống tiền" đầu tư cổ phiếu ngân hàng: Không chỉ nhìn vào lợi nhuận - Ảnh 2.

"Xuống tiền" đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng quan trọng vẫn triển vọng, thay vì nhìn vào con số lợi nhuận vừa công bố.

Từ thực tế kể trên, Giám đốc một công ty chứng khoán cho hay, thời gian gần đây, công ty này không khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, do nợ xấu ngân hàng đang là ẩn số rất khó lường.

Chuyên gia chứng khoán tại công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại nhìn nhận, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, quan trọng vẫn là đánh giá vào triển vọng, thay vì kết quả kinh doanh vừa công bố.

"Ngân hàng hiện tạm thời đang được hưởng lợi từ Thông tư 01 – thông tư tạm hoãn ghi nhận các khoản nợ xấu. Vì vậy, ngân hàng vẫn báo lãi nhưng có thể chỉ là lãi ảo. Việc trì hoãn này là đang đẩy rủi ro về tương lai và "câu giờ" mà thôi. Trong tương lai một khi các khoản nợ này không thu hồi được, triển vọng của ngân hàng có thể xấu đi rất nhanh do nợ xấu tăng cao ăn mòn lợi nhuận. Với bối cảnh Covid-19 mới như hiên nay thì rõ ràng rủi ro với các ngân hàng càng lớn. Nhà đầu tư cần lường trước rủi ro này", vị này khuyến nghị.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục