Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại buổi làm việc với các đơn vị truyền thông về việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP.
Ngày 7.5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký và ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (OCOP) được triển khai ở toàn bộ khu vực nông thôn trên phạm vi cả nước; khuyến khích các địa phương tùy vào điều kiện thực tiễn, triển khai phù hợp ở cả khu vực đô thị và thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020.
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ then chốt trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Trong đó nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, đồng thời quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hỗ trợ các khâu gồm đạo tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại...
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn giúp nâng cao thu nhập cho người dân.Chương trình sẽ xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã); ban hành Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm; ban hành và áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên phạm vi cả nước.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, tính đến tháng 4.2018, cả nước đã có 60/63 tỉnh, thành triển khai xây dựng khung chương trình OCOP cấp tỉnh, trong đó có 30 tỉnh đã lập xong Đề án (riêng tỉnh Hà Giang đã phê duyệt Đề án, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án giai đoạn 2...
Các sản phẩm OCOP của các xã của tỉnh Quảng Ninh trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ luôn thu hút đông đảo du khách tới thăm quan, mua hàng. I.T
Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện nay Bộ NNPTNT đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến thời gian tổ chức vào tháng 6.2018.
"Theo đó nhiệm vụ mà Bộ cần tập trung làm ngay là từ nay tới năm 2020, chương trình sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; triển khai thực hiện từ 8 đến 10 mô hình Làng văn hóa du lịch; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP; phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP", Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nguồn vốn và cơ cấu vốn huy động để thực hiện chương trình với tổng kinh phí dự kiến khoảng 45.000 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là nguồn xã hội hóa từ vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tài trợ của các tổ chức quốc tế,…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.