Trong khái niệm ngàn xưa, nông dân Nam Bộ không có lũ mà chỉ có mùa nước nổi, với bao lợi ích đầu nguồn đổ về tràn trề đồng quê, cùng bao cuộc đời sống trên nước, sống cùng với nước, sống cùng câu ca vọng cổ dài miên man...
Nhưng nay miền Tây đang có lũ. Mà lại là lũ ác liệt. Có nhiều người chết. Có hàng ngàn ha lúa vụ 3 mất trắng. Hàng ngàn hộ nông dân vỡ nợ vì mất mùa. Biến đổi khí hậu ư? Cũng có nhưng không phải nhiều. Vẫn sông ấy, vì sao đột xuất nước về quá cao? Không phải thiên nhiên thì ắt hẳn do con người.
Nông dân thấy làm lúa trúng đậm, nhà nước muốn có thêm gạo xuất khẩu bèn cấy thêm nhiều ở vụ ba. Đã cấy thì phải đắp đê chống lũ giữ tài sản. Thương thay mấy cái bờ bao được gọi là đê, dễ bục dễ vỡ như trứng treo đầu đẳng. Bờ bao không phải là đê như đê sông Hồng.
Nông dân và cả cán bộ thủy lợi Nam Bộ hầu như không có kinh nghiệm đắp đê, hộ đê. Bờ bao vỡ khi nước lên, nước tràn là tất yếu. Nhưng tổn thất khó tránh vì lúa đã cấy, vốn liếng vay mượn làm ăn lớn đã đổ ra đồng, đã gửi cho mấy cái bờ bao rồi. Cho nên nông dân miền Tây không còn hào hứng đón mùa nước nổi mà phải cắn răng chống nước lũ trong canh bạc sấp ngửa với trời.
Người Bắc có câu “không mua rét về để run”. Từ mùa nước nổi hiền hòa, con người hòa hợp với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, nay người nông dân Nam Bộ phải gay gắt chống lũ, huy động toàn lực nông thôn vốn đang thiếu thanh niên trai tráng để bảo vệ mấy cái bờ bao. Phải chăng có cái gì tính toán chưa hết, chưa thấu tình với ông trời, chưa đạt lý với khoa học thích hợp để xử lý tối ưu miền đất mầu mỡ và giàu có vì phù sa?
Chung quy vẫn là bệnh quy hoạch với cái nhìn thiển cận và phiến diện. Mối lợi trước mắt che khuất sáng suốt. Tham cái bát mà bỏ mất cái mâm, vì lợi 1- 2 vụ lúa mà quên cả một một vùng đất.
Mong sao miền Tây Nam Bộ chỉ có mùa nước nổi mà không còn mùa lũ!
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.