Chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu với lao động "tằm nhả tơ, ong nhả mật"

Thứ năm, ngày 29/05/2014 15:15 PM (GMT+7)
“Việc nâng tuổi nghỉ hưu cần phải cân nhắc, nếu người lao động làm việc kiểu "con tằm nhả tơ, con ong nhả mật" thì tiếp tục khai thác sử dụng. Một người có thể thay thế hàng trăm người. Phải là lao động chất lượng cao làm việc thực sự..."
Bình luận 0
ĐBQH Đỗ Văn Đương đã nêu quan điểm như trên khi trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội sáng nay (29.5).
img
ĐBQH Đỗ Văn Đương

Tình trạng nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp hiện nay rất lớn, trong khi việc xử lý lại thiếu nghiêm khắc thưa ông?


- Hiện nay mới chỉ xử lý hành chính, rồi phạt với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng. Phạt thì thấp, số tiền chiếm đoạt lại lớn, đến lúc doanh nghiệp phá sản người lao động không biết dựa vào đâu cả, và nhà nước bị tổn thất. Suy cho cùng đó cũng là tiền của nhà nước, vì nhà nước vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội. Tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội của các cơ quan doanh nghiệp tới 70% không được xử lý thỏa đáng. Tôi cho rằng đây thực sự là chiếm đoạt tiền bảo hiểm, tiền chiếm đoạt của người khác là phải truy tố.

Ông có ý kiến gì với đề xuất của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) khi nâng tuổi nghỉ hưu?

- Việc nâng tuổi nghỉ hưu cần phải cân nhắc, nếu người lao động làm việc kiểu "con tằm nhả tơ, con ong nhả mật" thì tiếp tục khai thác sử dụng. Một người có thể thay thế hàng trăm người. Phải là lao động chất lượng cao làm việc thực sự chứ không phải loại "nói mồm, ăn bám". Tôi đã từng nói phải giảm thiểu biên chế. Kiểu cán bộ ngồi điều hòa, máy lạnh, rồi tham quyền cố vị - đây chính là điều người dân lo lắng nhất.

Bây giờ hỏi lãnh đạo các sở, ngành từ T.Ư tới địa phương thử xem? Tôi chắc là sẽ có rất nhiều người muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu. Thực tế là không ít người đang sống không phải vì lương mà là bổng lộc, thu lợi từ vị trí công tác, cái này liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu. Do đó phải cân nhắc, và nên theo tinh thần của Bộ Luật lao động là chỉ tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động trình độ cao, giàu kinh nghiệm, biết “nhả tơ, nhả mật” cho xã hội thì mới dùng chứ không được cào bằng.

Trong xây dựng Luật hiện rất cào bằng về chính sách. Cứ tự động nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là không được. Chỉ nhằm vào quỹ bảo hiểm có vỡ hay không cũng là nhóm lợi ích trong việc xây dựng chính sách pháp luật mà không đặt trong vị trí tổng thể, chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Cách làm luật như thế này sẽ làm rối hết các quan hệ xã hội, làm cho người lao động lo lắng về mặt tinh thần, nhưng ngược lại lại tạo ra động lực lớn cho những người có chức vụ.

Xin cảm ơn ông!
Ngọc Lương (ghi) (Ngọc Lương (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem