Chi tiền tỷ cho "cò" bán vé, chủ tàu vận tải khách đảo Lý Sơn tự lấy đá ghè chân

Công Xuân Thứ năm, ngày 30/05/2019 07:00 AM (GMT+7)
Các chủ phương tiện vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang chấp nhận bỏ tiền túi hàng tỷ đồng/tháng để chi hoa hồng cho "cò" bán vé giúp cho khách đi tàu của mình. Nhiều người ví việc này chẳng khác gì các chủ tàu đang "lấy đá tự ghè chân mình".
Bình luận 0

Kể từ năm 2018, khi các tàu khách siêu tốc đồng loạt được đóng mới và đưa vào hoạt động, thời gian khởi hành hàng ngày để đón chở khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn được giao cho các chủ tàu tự đăng ký và quyết định.

Trừ các dịp lễ, tết và những ngày cuối tuần, thời gian còn lại số lượng khách từ đất liền ra đảo không nhiều. Vì vậy để thu hút khách, các chủ tàu phải nhờ vào lực lượng "cò" là xe ôm, chủ các khách sạn, nhà nghỉ,... ở tại 2 đầu bến bán vé giúp.

img

Nhiều "cò vé" luôn túc trực trước cổng Nhà ga cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi

Không dám nâng cao hơn giá đã đăng ký với cấp thẩm quyền của tỉnh để lấy bù lại, các chủ tàu siêu tốc đành chấp nhận bỏ tiền túi để chi tiền hoa hồng cho số vé mà "cò" đã bán giúp. Cụ thể, bất cứ chủ nhà khách, xe ôm nào bán được vé cho khách, thì chủ tàu sẽ chi khoản phí từ 20.000-30.000 đồng/vé.

Trung bình trên tuyến này, với 7 tàu và số lượt chạy ít nhất là 2 chuyến/ngày/chiếc, với số khách bình quân 70 người/chuyến. Ngoài tiền phí ủy thác bán vé phải trả cho BQL cảng Sa Kỳ và Lý Sơn là 4% trên tổng giá trị của giá vé, số tiền "hoa hồng" mà các chủ tàu phải trả cho "cò vé" phải tính bằng con số hàng tỷ đồng/tháng.

img

Một chuyến tàu siêu tốc từ đảo Lý Sơn vào đất liền thua thớt khách (ảnh chụp qua màn hình Camera giám sát tại khoang thuyền trưởng)

Nói về sự việc này, ông M.T.K (một chủ tàu khách siêu tốc) bộc bạch: "Các chủ tàu khác đều như vậy, nếu giờ mình không làm thì sao bán được vé cho khách, nên phải chấp nhận". Ông chủ tàu khách siêu tốc L.B bức xúc: "Cách đây không lâu, có 1 đoàn khách từ Hà Nội đăng ký vé tàu tôi để ra tham quan đảo. Biết được thông tin này, người thân của một tàu khách siêu tốc chạy cùng tuyến đến gạ gẫm nếu đổi lại vé đi tàu của ông ấy sẽ giảm giá 20.000 đồng/vé/khách".

Theo ông M.X.T (chủ tàu khách siêu tốc S.P), thì với số lượng khách được phép chở của tàu mình là 150 khách/chuyến. Chỉ tính chi phí nguyên liệu, cầu cảng cho một chuyến đi nhưng chưa kể tiền công trả cho nhân viên và lái tàu phải mất ít nhất là 8 triệu đồng/chuyến, tương đương với 50 khách (giá vé từ 140-160.000 đồng/người). Ngoại trừ dịp lễ, tết và cuối tuần không nói gì, nhưng thời gian còn lại mỗi tuần(từ thứ 2-6), đại đa số các chuyến khó mà có đủ số lượng khách để bù chi phí.

img

Theo các chủ tàu khách chi phí nguyên liệu, cầu cảng cho một chuyến đi nhưng chưa kể tiền công trả cho nhân viên và lái tàu phải mất ít nhất là 8 triệu đồng/chuyến, tương đương với 50 khách (giá vé từ 140-160.000 đồng/người). Ngoại trừ dịp lễ, tết và cuối tuần không nói gì, nhưng thời gian còn lại mỗi tuần(từ thứ 2-6), đại đa số các chuyến khó mà có đủ số lượng khách để bù chi phí.

Đúng như lời ông chủ tàu M.X.T, qua quan sát gần 10 chuyến ra vào Lý Sơn - Sa Kỳ và ngược lại từ ngày 20-29/5/2019, gần 1/2 tổng lượt chạy tàu siêu tốc rời bến với số khách chỉ từ 20-40 người/chuyến, chậm chí có trường hợp chưa đến 10 người/chuyến.

Không những vậy với lý do đưa ra nếu đăng ký giờ chạy sau thì khách sẽ càng ít hơn, nên các chủ tàu khách còn nhấp nhận chạy trùng giờ để cạnh tranh nhau, dẫn đến thiệt hại của của chuyến đi mỗi tàu tăng lên hơn.

Điều khó hiểu là 100% chủ tàu khách siêu tốc đều hiểu và nhận thấy sự cạnh tranh như vậy chỉ làm hại cho chính mình. Nhưng khi được hỏi "Vì sao chủ tàu không cùng ngồi lại để bàn bạc, tìm giải pháp hợp lý và có lợi cho nhau", tất cả có câu trả lời khá giống nhau: "Đã thử rồi nhưng ai cũng nghĩ việc làm của mình là đúng, ông chịu được thì tôi cũng chịu được. Cứ chơi như vậy đi, ai chết trước thì biết".

Sự cạnh tranh theo kiểu trên không những gây thiệt hại cho chính các chủ tàu khách, mà còn gây ra sự lộn xộn và mất ANTT tại 2 đầu bến, bức xúc cho du khách và làm ảnh hưởng chung đến ngành du lịch của tỉnh.

Anh Nguyễn Hùng (28 tuổi), ở TP. Nha Trang, kể: "Cách đây hơn 1 tuần, khi cùng 4 người thân vừa vào cảng Sa Kỳ để ra đảo thì bị 5-6 người ra vây quanh chèo níu để bán vé. Trời đang nắng nóng mà bị số cò vây chặn ngay trước cổng không cho vào nhà chờ bực mình không chịu nổi". Câu hỏi đặt ra: "Các cấp ngành đang ở đâu và có trách nhiệm gì trong vụ việc trên?".

Được biết đến đầu năm 2017, khi chiếc tàu khách siêu tốc đầu tiên mang tên Chín Nghĩa 03, do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Bến xe Chín Nghĩa làm chủ đầu tư, có thời gian di chuyển bằng 1/2 thời gian so với tàu cao tốc (khoảng 35 phút/chuyến ) được đưa vào hoạt động, cuộc cạnh tranh giữa các chủ tàu cùng tuyến được đẩy lên đỉnh điểm.

img

Tàu khách siêu tốc An Vĩnh EXPRESS đang trả khách tại đầu cảng Lý Sơn  

Theo đó trong khoảng thời gian 20 tháng, các chủ tàu khách đua nhau đầu tư cả triệu đô đóng tàu siêu tốc. Qua thống kê hiện tổng số tàu siêu tốc đang hoạt động tại tuyến 7 chiếc, tổng lượng khách chở khoảng 1000 người/lượt. Trong đó chiếc lớn nhất chở 280 khách/ lượt, nhỏ nhất 78 khách/ lượt.

Sự ra đời của hàng loạt tàu khách siêu tốc dẫn đến gần như toàn bộ số tàu khách cao tốc mới đi vào hoạt động vài năm, tiền vốn thu hồi mới được 1 phần nhỏ phải neo bờ vì bị khách chê chạy chậm nên không đi.

Dù không phải là chủ sở hữu nhưng khi chứng kiến cảnh hàng loạt tàu khách cao tốc vẫn còn mới và khá khang trang bị neo bờ hơn nữa năm qua tại cảng An Hải, xã An Hải, huyện Lý Sơn nhiều người không khỏi xót xa, tiếc rẻ đối với số tài sản quá lớn đang trở thành đồ bỏ này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem