Chi tiết sáp nhập, tinh gọn 55 cục, vụ, đầu mối của Bộ Nông nghiệp-PTNT và Bộ Tài nguyên-MT sau hợp nhất

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 11/12/2024 12:20 PM (GMT+7)
Ngày 10/12, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hai Bộ sau khi hợp nhất.
Bình luận 0

Ngày 9/12, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát cơ cấu tổ chức, bộ máy các cục, vụ, đơn vị trực thuộc 2 Bộ. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường kết thúc hoạt động một Tổng cục, hợp nhất 2-3 cục, vụ

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đề án: Bộ TNMT hiện có 7 đơn vị tham mưu tổng hợp; 15 đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành; 2 tổ chức phối hợp liên ngành; 15 đơn vị sự nghiệp trực thuộc; 4 doanh nghiệp trực thuộc. Trên cơ sở rà soát nêu trên, Ban Chỉ đạo đề án đề xuất cụ thể như sau: 

(1) Kết thúc mô hình Tổng cục Khí tượng Thủy văn; tổ chức lại Tổng Cục khí tượng Thủy văn thành Cục khí tượng Thủy văn.

(2) Hợp nhất 3 đơn vị quản lý về lĩnh vực đất đai (Vụ Đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất) thành Cục Quản lý đất đai.

(3) Hợp nhất 2 đơn vị quản lý về lĩnh vực môi trường (Vụ Môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) thành Cục Bảo vệ môi trường.

(4) Tiếp tục duy trì và thực hiện hợp nhất hoặc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ từ các đơn vị của Bộ NNPTNT đối với 4 Cục: Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Chuyển đổi số và thông tin dữ liệu môi trường.

(5) Tiếp tục duy trì 7 đơn vị tham mưu tổng hợp sẽ hợp nhất với các đơn vị tương ứng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm: Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ.

(6) Tiếp tục duy trì 3 Cục: Biến đổi khí hậu; Đo đạc, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Viễn thám quốc gia.

(7) Tiếp tục duy trì 2 Văn phòng: Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia; Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Đối với các đơn vị sự nghiệp: Tiếp tục duy trì 4/5 đơn vị có tên trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Nghị định số 68 năm 2022, bao gồm: Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và môi Trường; Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Tài nguyên và Môi trường; Báo Tài nguyên và Môi trường; Tạp chí Tài nguyên và Môi trường sẽ hợp nhất với các đơn vị có chức năng tương ứng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Kiện toàn, tổ chức lại Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia theo hướng không đưa vào cơ cấu của Bộ tại Nghị định; định hướng sắp xếp hợp nhất với đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau khi sắp xếp theo phương án trên, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm 1 Tổng cục, 4 Cục, Vụ/15 tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành.

Chi tiết sáp nhập, tinh gọn 55 cục, vụ, đầu mối của Bộ Nông nghiệp- PTNT và Bộ Tài nguyên- MT trước khi hợp nhất - Ảnh 1.

Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sắp xếp, hợp nhất nhiều cục, vụ, đầu mối, có đơn vị phải hợp nhất... 2 lần

Với việc tổ chức sắp xếp, tinh gọn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ đạo Đề án cho biết: Hiện Bộ NNPTNT có 8 đơn vị tham mưu tổng hợp; 13 đơn vị quản lý nhà nước liên ngành; 64 đơn vị sự nghiệp trực thuộc; 6 tổ chức đặc thù. Trên cơ sở rà soát nêu trên, Bộ đề xuất cụ thể như sau:

(1) Hợp nhất Vụ Kế hoạch và Vụ Tài chính thành Vụ Kế hoạch - Tài chính. Sau đó, Vụ Kế hoạch- Tài chính của Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục hợp nhất với Vụ Kế hoạch- Tài chính của Bộ TNMT. Như vậy, riêng hai đơn vị này, phải tiến hành hợp nhất hai lần.

(2) Hợp nhất Cục Thủy lợi và Cục Quản lý xây dựng công trình thành Cục Quản lý và khai thác công trình thủy lợi.

(3) Hợp nhất Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật thành Cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật.

(4) Hợp nhất Cục Chăn nuôi và Cục Thú y thành Cục Chăn nuôi - Thú y.

(5) Hợp nhất Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm thành Cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm.

(6) Hợp nhất Cục Thủy sản và Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thành Cục Thủy sản.

(7) Thực hiện hợp nhất Cục Kiểm ngư và Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

(8) Tiếp tục duy trì 2 Cục: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.

(9) Tiếp tục duy trì 6 đơn vị tham mưu tổng hợp, sẽ hợp nhất các đơn vị tương ứng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm: Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ.

Đối với các đơn vị sự nghiệp: Tiếp tục duy trì 6/7 đơn vị có tên trong cơ cấu tổ chức của Bộ tại Nghị định số 105 năm 2022, bao gồm: Viện Chiến lược và chính sách nông nghiệp nông thôn; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn; Báo Nông nghiệp Việt Nam; Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Các đơn vị này sẽ hợp nhất với các đơn vị có chức năng tương ứng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tiếp tục duy trì Trường Chính sách công và Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhưng không đưa vào cơ cấu của Bộ tại Nghị định và thực hiện lộ trình sắp xếp phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục Đại học theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Sau khi sắp xếp theo phương án nêu trên, cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 1/8 đơn vị tham mưu tổng hợp, giảm 3/13 Cục quản lý chuyên ngành.

Còn bao nhiêu cục, vụ, đầu mối sau khi hợp nhất hai Bộ?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 9/12 về phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ban chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án sắp xếp theo chủ trương hợp nhất hai Bộ như sau:

Về tên gọi: Theo Kế hoạch số 141 ngày 6/12/2024 định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, tên Bộ sau khi hợp nhất là: Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường. Tuy nhiên, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo đã thống nhất với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất bổ sung thêm cụm từ: "Nông thôn" vào sau tên gọi của Bộ sau khi hợp nhất, cụ thể là: "Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường".

Chi tiết sáp nhập, tinh gọn 55 cục, vụ, đầu mối của Bộ Nông nghiệp- PTNT và Bộ Tài nguyên- MT trước khi hợp nhất - Ảnh 2.

Trụ sở chính của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại số 2 Ngọc Hà, Hà Nội.

Về chức năng, nhiệm vụ: Có chức năng, nhiệm vụ, tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như hiện nay.

Khi hợp nhất hai Bộ, chức năng, nhiệm vụ trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành sẽ được rà soát, điều chỉnh, phân định rõ theo đối tượng quản lý, bảo đảm tính thống nhất, khoa học, tổng thể và bao quát, khắc phục triệt để sự giao thoa, cắt khúc công việc, bỏ sót nhiệm vụ; tác bạch công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên với quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Bộ tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, có sự đồng bộ, thống nhất giữa Trung ương và địa phương; thuận lợi trong công tác chỉ đạo điều hành.

Về cơ cấu tổ chức: Trên cơ sở đề xuất sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hai Bộ như trên. Ban chỉ đạo đã thống nhất đề xuất cơ cấu tổ chức của Bộ sau khi hợp nhất. Theo đó, tổ chức cơ cấu của Bộ mới có 29 tổ chức, gồm 8 đơn vị tham mưu tổng hợp, 17 đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành, 4 dơn vị sự nghiệp công lập phục vụ trực tiếp công tác quản lý nhà nước.

- 8 tổ chức năng tham mưu tổng hợp trên cơ sở hợp nhất các tổ chức có chức năng tương ứng của hai Bộ, gồm: Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục Chuyển đổi số.

- 17 tổ chức trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị quản lý chuyên ngành trong các lĩnh vực tài nguyên môi trường và nông nghiệp nông thôn, gồm: Cục Quản lý đất đai; Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Cục Bảo vệ môi trường; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Đo đạc, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Cục Khí tượng Thủy văn; Cục Viễn thám quốc gia; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Cục Quản lý đề điều và Phòng, chống thiên tai; Cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật; Cục Chăn nuôi - Thú y; Cục Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi; Cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm; Cục Thủy sản; Cục Quản lý tài nguyên nước; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; Cục Biển và Hải đảo Việt Nam/Cục Biển, Hải đảo và Kiểm ngư.

- 4 đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở hợp nhất các đơn vị có chức năng tương ứng của hai Bộ, gồm: Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp, nông thôn, tài nguyên và môi trường; Báo Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Tạp chí Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Cơ cấu tổ chức của Bộ mới sau khi hợp nhất có 30 đầu mối, giảm 25 đầu mối so với 55 đầu mối hiện có trong cơ cấu tổ chức của hai Bộ (tương ứng với tỷ lệ giảm trên 45%). Trong đó, khối tham mưu tổng hợp giảm 8 đầu mối (tương ứng với tỷ lệ giảm 50%), khối quản lý nhà nước chuyên ngành giảm 10 đầu mối so với 27 đầu mối hiện có (tương ứng với tỷ lệ giảm trên 37%), khối đơn vị sự nghiệp giảm 7 đầu mối so với 12 đầu mối hiện có (tương ứng tỷ lệ giảm trên 58%).

Theo Ban chỉ đạo, trường hợp tiếp tục duy trì Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhưng không đưa vào cơ cấu của Bộ tại Nghị định và thực hiện lộ trình sắp xếp phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Như vậy, cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường hoặc Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường còn 30 đầu mối, giảm 25 đầu mối là các cục, vụ, đơn vị trực thuộc so với 55 đầu mối hiện có trong cơ cấu tổ chức của hai Bộ (tương ứng giảm tỷ lệ trên 45%). Trong đó, khối tham mưu tổng hợp giảm 8 đầu mối, khối quản lý nhà nước chuyên ngành giảm 10 đầu mối so với 27 đầu mối hiện có, khối đơn vị sự nghiệp giảm 7 đầu mối so với 12 đầu mối hiện có.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem