Bất ngờ trước chi tiêu của bà mẹ chỉ chi 2,65 triệu đồng tiền sinh hoạt mỗi tháng

Thùy Anh Thứ năm, ngày 07/07/2022 06:31 AM (GMT+7)
Giá cả leo thang, lương thưởng không tăng, tăng chậm, nhiều chị em đã phải vắt óc nghĩ cách chi tiêu hợp lý. Dưới đây là chia sẻ của một mẹ bỉm sữa về cách chi tiêu đang thu hút nhiều quan điểm trái chiều.
Bình luận 0

Chi 2,6 triệu đồng tiền ăn liệu có phải cách chi tiêu hợp lý

Mới đây trong các diễn đàn, cộng đồng mạng đã chia sẻ rất nhiều về câu chuyện của một phụ nữ có tên là Minh Huyền (Hà Nội). Chị này tiết lộ là chị chỉ chi tiêu sinh hoạt hết 2,65 triệu đồng/tháng. Theo chị Huyền đây là cách chi tiêu cách chi tiêu hợp lý trong gia đình chị. 

Chị Huyền chia sẻ cụ thể: "Vì thu nhập 2 vợ chồng chỉ khoảng 15-16 triệu đồng/tháng, lại có 2 con nhỏ nên chia tiêu phải tiết kiệm. Hiện vợ chồng tôi vẫn có dư 4-5 triệu gửi ngân hàng".

chi tiêu hợp lý

Chị Huyền liệt kê cụ thể như sau:

Tiền ăn sáng: 300 nghìn đồng

Tiền ăn tối: 1.300 nghìn đồng (Ăn trưa tại công ty, trường học)

Tiền điện nước, Internet: 700 nghìn đồng

Tiền xăng 100 nghìn đồng (chồng làm gần nhà nên đi bộ, còn chị Huyền đi làm chung chia đôi tiền xăng với bạn)

Tiền dầu gội, sữa tắm: 150 nghìn đồng/tháng

Tiền mắm muối, mì chính 100 nghìn đồng/tháng

Tiền mỹ phẩm, mua sắm quần áo hầu như không có

Chồng cũng không hút thuốc rượu trà, cà phê.

Tổng số tiền 2,650 triệu đồng/tháng.

"Ăn sáng thường là cơm vừng, ruốc tự làm hoặc trứng chiên. Hôm nào đổi bữa thì tôi nấu bún hoặc rang cơm. Ăn tối thì tôi nhờ mẹ chồng mua đồ ở quê và gửi người quen nên không mất nhiều cước gửi: 2 con gà 300 nghìn đồng (chia 4 bữa + 1 bữa lòng xào), được 5 bữa tối.; 5kg thịt lợn 500 nghìn đồng, chia được 10 bữa tối; thịt bò: 100 nghìn đồng chia làm 2 bữa tối. Gạo được mẹ chồng cho miễn phí.

Còn lại 300 nghìn đồng tôi mua thêm rau và đậu. Các bữa thay đổi món xào luộc, kho... hôm nào ăn trứng thì thêm đậu rán hoặc đậu sốt cà chua... Hôm nào nhà có khách, tôi sẽ chi thêm 50-100 nghìn đồng, nhưng hôm sau cả nhà phải ăn ít hơn để cân bằng lại”, chị Huyền ghi lại.

Chị Minh Huyền cũng chia sẻ là bình thường nhà rất ít khi mời bạn tới chơi. Chồng chị cũng đồng tình với cách chi tiêu này của vợ. 

chi tiêu hợp lý

Nhiều phụ nữ tỏ ra thán phục trước cách chi tiêu hợp lý, một bữa cơm chưa đến 70 nghìn đồng của gia đình chị Huyền. Ảnh: M.H

Đọc bản thống kê của chị Huyền, một số chị em phụ nữ cảm  thấy thán phục, số khác thì cảm thấy "không thể tin" được vào mắt mình. Nhiều chị thậm chí còn hài hước chia sẻ: "Sang chấn tâm lý suốt từ khi đọc được thông tin tới giờ. Định cầm gì lên ăn nhưng lại thôi vì nghĩ tới chị Minh Huyền mà phải đặt xuống đây này. Giờ thì không dám mua bán gì nữa", chị Hoàng Anh chia sẻ.

Chị Nguyễn Bích Phương (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) bày tỏ sự khâm phục: "Vun vén siêu giỏi,  chi tiêu hợp lý thế này chắc chị này phải tầm kế toán trưởng". Chị Nguyễn Chúc (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ: "Chị chi tiêu siêu thật, quá đỉnh".

Bên cạnh những ý kiến tỏ ra khâm phục, hay hài hước thì có nhiều ý kiến cho rằng đây là thông tin ảo. Chị Nguyễn Dung (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: "Mình rất chán khi đọc những thông tin thế này, ảo vãi".

Chị Dung cũng chia sẻ, khoản chi tiền ăn của chị Huyền chưa bằng  khoản chi của chị trong 1 ngày.

Cũng theo chị Dung, sống ở Hà Nội không thể chi tiêu quá tằn tiện như vậy, vì đó mới chỉ là tiền ăn uống. Còn bao khoản đình đám, hiếu hỉ. Chưa kể 1 tháng cũng phải cho con ra ngoài vui chơi ăn uống 1-2 lần. Mỗi lần cũng phải hết 500-700 nghìn là ít.

Nhiều chị em tỏ tý tán đồng vì đây là cách chi tiêu hợp lý 

Theo một số chị em, mức chi tiêu cho tiền ăn ở gia đình này là cách chi tiêu hợp lý. Chị Đặng Thị Mai Hương (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết ăn thế này không hề kham khổ, cũng bình thường thôi.

"Một con gà hơn 1kg chia làm 2 bữa, hay 1 bữa ăn 500g thịt là bình thường. Có điều đây chỉ là tiền ăn chưa phải là khoản tiền chi tiêu khác. Thường các khoản chi cho ốm đau, thuốc men, học hành mới tốn kém", chị Hương nói.

Chị Phạm Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cho rằng: "Mình cũng nghĩ là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, các chị tiêu mấy chục củ tháng cũng không nên mỉa mai người khác như vậy".

Bàn về câu chuyện này, ông Trịnh Hòa Bình - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội cho rằng, tùy lăng kính, điều kiện, văn hóa của mỗi người, tùy thuộc vào sự đồng thuận của vợ chồng mà mỗi gia đình sẽ có cách ứng xử, chi tiêu khác nhau. Thành ra, câu chuyện chi tiêu thế nào, chi tiêu bao nhiêu là hợp lý không có quy định cụ thể rõ ràng...

"Mỗi gia đình có một chiến lược tài chính, không nên lấy hoàn cảnh, quan điểm của bản thân mình để so đo tính toán và nhận định, miệt thị gia đình người ta chi tiêu keo kiệt", ông Bình nói.

Tuy nhiên, theo ông Bình các chuyên gia tài chính cũng đã khuyến cáo, mức chi tiêu cho sinh hoạt, ăn uống hợp lý trong gia đình phải đạt hơn 40% thu nhập. Nếu chi tiêu chưa đạt khoảng này thì đó là mức chi tiêu chưa hợp lý, và cũng có thể được xem là khá tằn tiện, cần phải điều chỉnh thêm. Mức chi tiêu mà chị Minh Huyền chị đưa ra chưa được 20%, nhưng đó mới chỉ là chi tiêu tiền ăn, còn chưa tính tới các khoản học hành, đình đám...

cách chi tiêu hợp lý

Ông Trịnh Hòa bình cho rằng mỗi gia đình có quan điểm chi tiêu và một nền kinh tế khác nhau, vì thế cách chi tiêu cũng khác nhau. Ảnh:N .T

"Nhưng phải khẳng định, mỗi gia đình có một cách chi tiêu khác nhau và có một ưu tiên khác nhau. Có gia đình chấp nhận ăn uống kham khổ để xây nhà to, nhưng cũng có gia đình tiết kiệm để đầu tư cho con cái học hành. Hoặc cũng có gia đình chỉ quan tâm tới việc ăn uống, đi du lịch... việc chi tiêu của mỗi một gia đình là không giống nhau", ông Bình khẳng định.

Ông Bình cho rằng, suy cho cùng nó văn hóa sử dụng tài chính, văn hóa quản lý chi tiêu của mỗi một gia đình. Mọi người không nên miệt thị, mỉa mai bàn tán thái quá. Đặc biệt không nên nhìn nhận vấn đề tiêu cực, gây chia rẽ đoàn kết, dẫn tới mâu thuẫn không đáng có.

"Đúng là những thông tin trên mạng có khi đúng, có khi sai nhưng câu chuyện đó ắt hẳn cũng có đụng chạm, khiến nhiều người liên tưởng tới cuộc sống của mình hiện tại. Rõ ràng vẫn có một bộ phận lao động khó khăn, sống kham khổ, hay phải tằn tiện chi tiêu để dành sức cho những mục tiêu cao hơn. Thay vì miệt thị, mỉa mai họ chúng ta nên đồng cảm chia sẻ", ông Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem