Trần Giáp
Chủ nhật, ngày 31/10/2021 13:17 PM (GMT+7)
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã thực hiện tốt mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa đẩy mạnh việc giải ngân nguồn vốn để người dân có điều kiện sản xuất kinh doanh.
Hoạt động trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng phiên giao dịch định kỳ hàng tháng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hương Sơn tại các xã vẫn diễn ra thuận lợi. Từ các điểm giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cũng đã chủ động trang bị màng chắn, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch an toàn.
Đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách xã hội theo quy định của Chính phủ, đáp ứng tốt nhu cầu vốn để sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Đến nay có 100% số hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, xuất khẩu lao động trên địa bàn, có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện.
"Nhờ nguồn vốn vay từ chương trình này, gia đình tôi đã có thêm điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất. Gia đình tôi đầu tư chăn nuôi 5 con bò, 2 con dê, đàn gà 100 con, có thu nhập 40 triệu đồng/năm".
Chị Nguyễn Thị Ái
Đến 30/9 dư nợ cho vay tín dụng chính sách xã hội huyện Hương Sơn đạt 518,161 tỷ đồng với tổng số hộ còn dư nợ là 9.861 hộ. Trong đó dư nợ chương trình hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo là 281,074 tỷ đồng, chiếm 54,2% trên tổng dư nợ cho vay.
Nông dân thoát nghèo bền vững
Từ nguồn vốn ưu đãi đã có nhiều hộ vay vốn và phát huy hiệu quả, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (ở xóm 9, xã Sơn Trường) được vay vốn từ chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 50 triệu đồng.
Ông Thắng cho biết: Nhận thấy hiệu quả từ trồng cam, vợ chồng ông Thắng đã mạnh dạn đầu tư trồng 2ha cam. Đồng thời, chăn nuôi thêm 4 con bò để nâng cao thu nhập. Hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình dần phát triển ổn định. Đời sống của gia đình ông bà ngày một nâng lên, được biết ông Thắng còn là tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ ủy thác của Ngân hàng CSXH và gương mẫu trong mọi hoạt động tại địa phương.
Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Ái, thôn Tây Nam, xã Sơn Lễ là một trong những hộ mới thoát nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi. Được biết, trước đây gia đình chị được vay vốn từ chương trình hộ nghèo để phát triển sản xuất. Nhờ chăm chỉ, chịu khó nên kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện.
Năm 2018 gia đình chị đã thoát nghèo và tiếp tục được vay ưu đãi từ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo với số tiền 50 triệu đồng, giải quyết việc làm 50 triệu đồng. Đến nay, sau hơn 3 năm tiếp cận với nguồn vốn chị đã xây dựng cho gia đình mình mô hình kinh tế hiệu quả.
Đến thăm các mô hình sử dụng vốn vay hiệu quả, ông Đào Anh Tuấn - tổ trưởng Tổ TKVV thôn Trung Bằng, xã Sơn Bằng tâm sự: "Mình làm tổ trưởng TKVV đã hơn 10 năm. Hiện tại trong tổ có 43 tổ viên, dư nợ tại Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn đạt gần 1,8 tỷ đồng".
Ông Tuấn cho biết: Những năm trước đây, bà con trong thôn vay vốn Ngân hàng CSXH rất ít.Vì vay được vốn rồi bà con cũng không biết đầu tư trồng cây gì, nuôi còn gì để mang lại thu nhập. Nhiều hộ được vay vốn ưu đãi, mang về "để đầu giường" hàng tháng mang đi trả lãi cho ngân hàng.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hương Sơn cùng cán bộ xã, tổ trưởng TKVV phải tới từng nhà động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tuyên truyền về ý nghĩa của vốn vay chính sách...
Ông Tuấn cho biết thêm: "Đối với nguồn vồn từ Ngân hàng CSXH, căn cứ vào nhu cầu đầu tư của bà con và mục đích xin vay, Tổ TKVV sẽ tổ chức họp và bình xét một cách công khai, dân chủ, đồng thời thu thập ý kiến, nguyện vọng của dân để ưu tiên hỗ trợ theo nhu cầu thiết thực của họ. Sau đó trình lên UBND xã phê duyệt mới được vay vốn từ ngân hàng. Bởi vậy, người dân nghèo phấn khởi, ủng hộ nhiệt tình, rất nhiều hộ đã thoát nghèo từ vốn vay Ngân hàng CSXH.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.