Chiếc cặp lồng nhôm quý giá

Thứ ba, ngày 28/09/2010 12:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nói về những kỷ vật kháng chiến, cụ bà chia sẻ: "Tôi cũng chỉ biết đó là những đồ ông đem về từ chiến trường nên giữ lại, cất đi làm kỷ niệm". Hiện gia đình đang giữ một bi - đông, một cặp lồng, hai hộp nhôm, một ca nhôm…
Bình luận 0

Người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô Nguyễn Đước giờ đang ở trong tình trạng sức khoẻ vô cùng ngặt nghèo. Xung quanh ông lúc nào cũng là những dụng cụ hỗ trợ y tế, và người vợ tuổi cũng đã cao thường xuyên túc trực.

img
Vợ chồng người cựu chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô Nguyễn Đước. Ảnh: Hà Thu

Kể với chúng tôi về kỷ vật đời lính của ông, cả 2 ông bà đều trào dâng niềm xúc động.

Chàng trai Hà thành Nguyễn Đước nhập ngũ năm 1946, đứng trong đội ngũ của Trung đoàn Thủ đô, sau chuyển sang chiến đấu ở mặt trận Tây Nam Lào. Giải phóng, ông Đước về làm ở Bộ Tổng tham mưu.

Nói về những kỷ vật kháng chiến, cụ bà chia sẻ: "Tôi cũng chỉ biết đó là những đồ ông đem về từ chiến trường nên giữ lại, cất đi làm kỷ niệm". Hiện gia đình đang giữ một bi - đông, một cặp lồng, hai hộp nhôm, một ca nhôm… và một số bức ảnh, bài báo ông viết.

Bi - đông đựng nước, hộp nhôm hình vuông đựng thuốc men đều có xuất xứ từ Mỹ. Đó là những vật dụng mà bất kỳ người lính nào thời đó cũng có. Chiếc hộp nhôm còn lại có hình trụ, đường kính 15cm, cao khoảng hơn 20 cm.

Ông Đước kể: "Đó là đồ do Bộ Quốc phòng phát để đựng thức ăn khi đi hành quân. Hồi năm 1955, tôi hành quân về qua nhà, vợ làm cho lưng hộp nhôm mắm tép. Thời kỳ khó khăn được chút mắm tép đó quý lắm. Mỗi lần cả đoàn dừng nghỉ ăn cơm, đồng đội lại chia nhau chút mắm tép ít ỏi đó. Ăn dè tiết kiệm, sang đến tận nơi tập kết (Tây Nam Lào) mới hết".

Ông Đước khoe còn có cả cái ca nhôm đa năng. Cố nói cho rõ tiếng, ông Đước phải dùng cả tay để diễn tả cho chúng tôi hiểu. Cái ca không to lắm, nhưng rất tiện. Tranh thủ trên đường hành quân kiếm vài lá rau, lúc nghỉ dùng ca làm nồi. Vậy là được một bát canh cải thiện bữa cơm.

Không nói được nhiều, ông Đước mừng rơi nước mắt khi có người hỏi về những đồ vật kháng chiến một thời. Những vật dụng bình thường mà ông và gia đình luôn nâng niu. Tiễn chúng tôi về, cụ bà chia sẻ: "Hi vọng thời gian tới ông ấy có thể đi lại được để tham gia đợt tổng kết kỷ vật kháng chiến của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem