Đây là 2/12 hiện vật được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 3 (2015). Trong đó, máy bay Mig 21 số hiệu 4324 được sản xuất tại Liên Xô (cũ) và phiên chế vào sư đoàn Không quân 371 của Việt Nam kể từ tháng 1.1967. Liên tục 12 tháng sau đó, máy bay này đã được 9 phi công VN sử dụng và bắn rơi tổng cộng 14 máy bay Mỹ các loại, trong thời gian từ 30.4 đến 17.12. Đặc biệt, 8/9 phi công lái chiếc máy bay này đã được phong tặng anh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, trong đó có những cái tên đã trở thành huyền thoại như Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Hồng Nhị...
Chiếc máy bay Mig 4324 được trưng bày tại bảo tàng
Có mặt trong buổi lễ sáng 10.3, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, phi công từng sử dụng máy bay này để bắn rơi 2 chiếc F105, cho biết: Chiếc Mig 21 số hiệu 4324 có chất lượng thuộc nhóm tốt nhất trong số các máy bay Mig của Việt Nam khi đó. Và, binh chủng không quân Việt Nam gọi đây chiếc máy bay “14 sao” - bởi theo truyền thống của binh chủng, mỗi lần lập công của máy bay đều được đánh dấu bằng một ngôi sao đỏ sơn lên vỏ.
Chiếc máy bay nhiều "sao" thứ nhì là chiếc Mig 21 số hiệu 4326 với 13 lần lập công, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Phòng không không quân). Được biết, từ cuối năm 1974, máy bay Mig 21 số hiệu 4324 đã được chuyển về lưu giữ tại Bảo tàng quân sự Việt Nam .
Còn với trường hợp bảo vật "Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh", tấm bản đồ này từng được Đại tướng Văn Tiến Dũng lưu giữ từ năm 1975 và chuyển tặng bảo tàng vào năm 1990, nhân kỷ niệm 15 năm thống nhất đất nước. Đây là tấm bản đồ duy nhất được tướng Dũng - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh - và Chính ủy Chiến dịch - Phạm Hùng - cùng ký phê duyệt trong cuộc họp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (đặt tại Lộc Ninh) trong ngày 22.4.1975.
Có chiều dài 185cm, rộng 170cm, đây là tấm bản đồ về miền Nam Việt Nam, được Phòng Tác chiến của Chiến dịch vẽ và trình Bộ chỉ huy Chiến dịch phê duyệt. Theo thời gian, dù đã sờn rách ở một số nếp gấp, bản đồ này vẫn còn giữ nguyên nét bút vẽ các mũi tên đỏ (vạch hướng tấn công của các cánh quân vào Sài Gòn) và chữ ký của những người chỉ huy chiến dịch.
(Theo Thể thao & Văn hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.