dd/mm/yyyy

Chiêm ngưỡng vườn hồng cổ hơn nghìn gốc ở xứ mường

Vườn hồng cổ hơn nghìn gốc của chị Nguyễn Thị Thu ở thôn An Ninh (xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) trị giá cả tỷ đồng. Đam mê hoa hồng, nên chị Thu cùng chồng đã tạo nên vườn hồng cổ đẹp mắt lại mang lại giá trị kinh tế cao.

Đến thăm vườn hồng cổ của chị Thu ai cũng phải trầm trồ khen ngợi. Các loài hoa hồng với đủ màu sắc trắng tinh khôi, vàng, đỏ và phớt hồng đang thi nhau khoe sắc dưới nắng xuân. Từng cây hồng cổ được chăm sóc và tạo dáng rất cầu kì hiện lên giữa cánh đồng của thôn An Ninh. Người ra, người vào thăm và mua hàng tấp nập.

Vườn hồng cổ hơn nghìn gốc đẹp mê hồn tại xứ Mường  - Ảnh 1.

Vườn hồng cổ của chị Nguyễn Thị Thu (ảnh: Hồng Minh).

Chị Thu người phụ nữ đã ở tuổi ngũ tuần tựa như một hướng dẫn viên, giới thiệu cho khách từng gốc hoa hồng. Chị giảng giải về các loại hoa hồng tựa như một nhà thực vật học. Chị say sưa nói như kể truyện cổ tích về các loài hoa. Dường như được đứng bên hoa và giới thiệu cho khách về các giống hồng cổ là đam mê bất tận của chị Thu.

Chị Thu vốn trồng lan rừng và kinh doanh hoa lan rừng. Nhưng cách đây 4 năm, chị mới biết đến các giống hồng cổ ở miền Bắc, đặc biệt là giống hồng cổ của Sa Pa (Lào Cai). Lên Sa Pa thăm các vườn hồng chị như bị bỏ bùa mê bởi hương sắc của thứ hoa đã làm bao người mê đắm. Vốn là người yêu cây, yêu hoa, chị đã quyết định đưa giống hồng cổ này về trồng tại xứ Mường.

Vườn hồng cổ hơn nghìn gốc đẹp mê hồn tại xứ Mường  - Ảnh 2.

Vườn hồng trị giá tiền tỷ của chị Thu hiện có 1.200 gốc hồng cổ, trong đó có giống hồng cổ Sa Pa rất quý. Hiện vườn hồng của chị là địa chỉ để những người yêu hoa hồng ở Hòa Bình đến mua và chiêm ngưỡng.

Niềm đam mê của chị như được nhân lên bởi chồng chị cũng rất ủng hộ ý tưởng tạo ra một vườn hồng cổ tại xã Phú Nghĩa. Vợ chồng chị lại chạy vạy lo toan, gom đất tạo mặt bằng  trồng hồng cổ.

 Theo chị Thu, ở miền Bắc có nhiều giống hồng cổ, nhưng hồng cổ Sa Pa lại có nét rất đặc trưng. Hồng cổ Sa Pa hay còn gọi là hồng trà cổ, hồng cánh sen cổ, hồng cổ Pháp, hồng đào cổ sapa…) là một trong những cái tên được săn đón nhiều nhất với những người chơi hồng. Sở dĩ được gọi là hồng cổ Sapa bởi nhiều năm về trước khi Pháp sang xâm chiếm Việt Nam, đã mang theo giống hồng quý này và được trồng nhiều trong các dinh thự, di tích trên Sa Pa (người ta cũng có thói quen gọi là hồng cổ Pháp, nhưng giống hồng này lại không được lai tạo ở Pháp). Dần dần hồng cổ Sapa được nhiều người biết đến, truyền tay nhau và lưu giữ đến bây giờ.

Vườn hồng cổ hơn nghìn gốc đẹp mê hồn tại xứ Mường  - Ảnh 3.

Hoa hồng cổ, đặc biệt là giống hồng cổ Sa Pa luôn được khách hàng săn đón.

Suốt 4 năm bền bỉ và kiên trì tạo dựng, chị Thu đã tạo được vườn hồng cổ rộng 1,7ha với trên 1.200 gốc hồng cổ. Từ khi vườn hồng hình thành, người dân biết tiếng, họ nô nức kéo nhau đến thăm quan. Nhiều khách yêu quý hoa hồng, họ hỏi mua. Từ việc thỏa cái thú đam mê hoa hồng, chị Thu lại có thêm nguồn thu nhập. "Hoa hồng có nhiều loại, giá cũng khác nhau, có cây vài trăm nghìn đồng, nhưng có có cây lên đến vài triệu đồng", chị Thu cho biết.

Có thu nhập, chị lại tiếp tục quay vòng mở rộng sản xuất và đưa thêm nhiều cây hồng về trang trại hoa của mình. Cũng theo chị Thu, cây hoa hồng dễ sống, nhưng người trồng cũng phải làm đúng cách cây mới phát triển tốt. Trồng cây với mật độ thông thoáng để tránh lan bệnh từ cây này sang cây khác, cắt tỉa lá già, lá vàng, cành khô để hạn chế sâu bệnh hại. Thường xuyên vệ sinh khu vực trồng sạch sẽ giảm bớt nơi “ẩn nấp” của mầm bệnh. Cắt tỉa những mầm bệnh, cành răm của cây hoa để cây tập trung phát triển thân chính.


Vườn hồng cổ hơn nghìn gốc đẹp mê hồn tại xứ Mường  - Ảnh 4.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào chơi hoa hoa hồng cổ nở rộ. Nhiều người trồng hoa hồng đã trở thành tỷ phú nhờ việc kinh hoanh hoa hồng cổ. Chị Thu cũng là một trong những người đam mê hoa hồng cổ và trở thành bà chủ của vườn hồng cổ lớn nhất xứ Mường.

"Hoa hồng cổ Sapa có khả năng kháng bệnh cao, tuy nhiên vào mùa hè cũng dễ bị bọ trĩ gây hại. Dấu hiệu là phần chồi non bị xoăn, đen, lỗ trỗ. Cách điều trị là sử dụng 2 loại thuốc chủ yếu là Sairifos và Ascend phun vào chiều tối vì thời điểm này là lúc bọ trĩ thường hoạt động cắn phá cây nên mình phun sẽ hiểu quả", chị Thi chia sẻ thêm về kinh nghiệm điều trị bệnh trên hoa hồng cổ.

Vườn hồng cổ của chị Thu nằm trên trục đường vào chùa Tiên. Hàng năm khách hành hương về đây rất đông. Do vậy, vườn hồng cổ của chị đã và đang trở thành địa điểm thăm quan lý tưởng của du khách thập phương.

Thuần Việt