China Evergrande chính thức lỡ hạn thanh toán khoản lãi trái phiếu 83,5 triệu USD: Nguy cơ vỡ nợ đã rất gần?

24/09/2021 17:38 GMT+7
China Evergrande đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ trái phiếu sau khi lỡ hạn khoản lãi phải trả 83,5 triệu USD cho một trái phiếu bằng đồng USD đến hạn đêm 23/9 qua theo giờ New York.

China Evergrande đang đối mặt với một khoản trái phiếu đáo hạn tháng 3/2022 đến hạn trả lãi vào nửa đêm 23/9 (giờ New York), với tiền lãi phải trả là 83,5 triệu USD. Nhưng nhiều tiếng đồng hồ đã trôi qua, không có dấu hiệu nào cho thấy China Evergrande đã hoàn tất khoản trả lãi trái phiếu này trong bối cảnh cạn kiệt tiền mặt.

Một khoản lãi trái phiếu khác trị giá 47,5 triệu USD sẽ đến hạn thanh toán vào ngày 29/9 tới. Nếu nhà phát triển bất động sản Trung Quốc không thể thanh toán lãi suất các khoản trái phiếu này trong vòng 30 ngày kể từ ngày đến hạn, hai trái phiếu này sẽ bị liệt kê vào dạng vỡ nợ.

Một nguồn tin thân cận nói trên tờ Nikkei Asian Review: “Chúng tôi sẽ liên hệ với công ty xem kế hoạch của họ ra sao. Họ vẫn có thời gian ân hạn và chúng tôi được biết rằng các cơ quan quản lý Trung Quốc đã yêu cầu công ty này không để vỡ nợ trái phiếu đồng USD”.

China Evergrande chính thức lỡ hạn thanh toán khoản lãi trái phiếu 83,5 triệu USD: Nguy cơ vỡ nợ đã rất gần? - Ảnh 1.

China Evergrande lỡ hạn thanh toán khoản lãi trái phiếu 83,5 triệu USD, còn 30 ngày ân hạn trước khi bị coi là vỡ nợ (Ảnh: Getty Images)

Trước đó, China Evergrande cũng đến hạn thanh toán 230 triệu Nhân dân tệ (35,6 triệu USD) tiền lãi trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ. Công ty này cho biết đã “giải quyết vấn đề” với các trái chủ và không để xảy ra tình trạng vỡ nợ, nhưng không cung cấp chi tiết gì thêm.

Một báo cáo của Bloomberg hôm thứ Năm cho biết các nhà chức trách Bắc Kinh đã yêu cầu nhà phát triển bất động sản này thực hiện tất cả các biện pháp có thể để tránh vỡ nợ đối với trái phiếu bằng đồng USD, song song với hoàn thành các dự án bất động sản đang dang dở.

Một số trái phiếu của China Evergrande đang giao dịch ở mức 25% mệnh giá, điều này phản ánh tâm lý của nhà đầu tư coi việc tập đoàn này vỡ nợ hoặc tái cơ cấu là điều gần như chắc chắn. Cổ phiếu China Evergrande cũng giảm mạnh hơn 80% trong năm nay. Riêng trong phiên giao dịch 24/9, cổ phiếu China Evergrande niêm yết trên sàn Hong Kong đã giảm mạnh 11,6% xuống 2,36 HKD.

China Evergrande chính thức lỡ hạn thanh toán khoản lãi trái phiếu 83,5 triệu USD: Nguy cơ vỡ nợ đã rất gần? - Ảnh 2.

Theo Fitch Ratings, ngoài 2 khoản thanh toán lãi trái phiếu đến hạn từ nay đến cuối tháng 9, China Evergrande cũng đối mặt với 721 triệu USD lãi trái phiếu nước ngoài cần thanh toán trong vòng 3 tháng cuối năm. 360 triệu USD lãi trái phiếu khác sẽ đến hạn vào tháng 1/2022. Trong nước, khoảng 436 triệu Nhân dân tệ trái phiếu mệnh giá đồng nội tệ của các trái chủ trong nước sẽ đến hạn từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022.

Tình trạng khó khăn của China Evergrande hiện nay hoàn toàn trái ngược với thông điệp mà nhà sáng lập tập đoàn, ông Xu Jiayin (Hứa Gia Ấn) đưa ra vào đầu năm 2020 rằng các nhà đầu tư nên “thư giãn” bởi tập đoàn này chưa và sẽ không bao giờ vỡ nợ”.

Chưa rõ Bắc Kinh liệu có ra tay “giải cứu” China Evergrande một khi tập đoàn này không thể giải quyết gánh nặng nợ khổng lồ hiện tại hay không. Thị trường bất động sản Trung Quốc và các ngành liên quan như xây dựng đóng góp khoảng 1/4 GDP quốc gia Trung Quốc, theo ước tính của Moody. Tại cuộc họp báo tuần trước, người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay Cục này đang theo dõi sát sao các công ty bất động sản đối diện khó khăn tài chính và rủi ro cho nền kinh tế. Cho đến nay, các quan chức Bắc Kinh gần như chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về vụ khủng hoảng nợ của China Evergrande.

Jimmy Chang, giám đốc đầu tư tại Rockefeller Global Family Office nhận định: “Thị trường đều mong đợi chính phủ sẽ đưa ra một số giải pháp vì China Evergrande là một tập đoàn khổng lồ với sự hiện diện mạnh mẽ trong nền kinh tế. Tập đoàn này đang cõng trên lưng số nợ 300 tỷ USD chưa thanh toán. Một vụ vỡ nợ của China Evergrande sẽ gây ra hiệu ứng tiêu cực lan tỏa trong toàn hệ thống tài chính Trung Quốc. Tôi cho rằng cuối cùng, vụ việc sẽ kết thúc khi một số doanh nghiệp quốc doanh có nguồn thanh khoản dồi dào vào cuộc và tiếp quản lại China Evergrande”.

Ông Li Daokui, cựu cố vấn ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhận định: “Nguy cơ China Evergrande vỡ nợ có thể tác động to lớn đến nền kinh tế thực khi hàng loạt dự án bất động sản bị đình trệ. Thị trường bất động sản suy yếu sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng GDP (của Trung Quốc) trong năm tới”. Ông Li hiện là giáo sư tại Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Thanh Hoa, một trong những trường đại học hàng đầu Trung Quốc.


NTTD
Cùng chuyên mục